Phiên chợ đặc sắc mang đậm phong vị Đài Loan
Phố Dihua, chợ hoa Đài Bắc
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 4 2023
Với sự phong phú đa dạng trong chợ hoa Đài Bắc, đi dạo một vòng chắc chắn sẽ khiến người ta ngạc nhiên thích thú.
閱讀一座城市,市集是充滿線索的文本,店家是文本的導覽員。這回《光華》引路,帶你走訪大稻埕第一街迪化街,還有可日日為生活錦上添花的台北花市,探索台味風情。
Để thâm nhập tìm hiểu về một thành phố thì những phiên chợ địa phương tựa như mạch nguồn tài liệu văn hóa vô cùng phong phú, còn chủ các gian hàng lại chính là người thuyết minh cho nguồn tài liệu đó. Lần này tạp chí Panorama Taiwan sẽ dẫn lối đưa quý vị đến thăm phố Địch Hóa (Dihua), con đường nổi tiếng nhất khu Đại Đạo Trình (Dadaocheng) và ghé thăm chợ hoa Đài Bắc, nơi làm cho cuộc sống của thành phố mỗi ngày thêm phần rực rỡ, cùng khám phá phong vị đậm chất Đài.
Từ phong cách kiến trúc của phố Địch Hóa, có thể nhìn thấy phần nào bối cảnh quốc tế thời xưa.
Nơi khởi nghiệp tạo dựng cơ ngơi sớm nhất Đài Bắc
Phố Địch Hóa là khu phố thương mại phát triển sớm nhất và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử thương mại Đài Loan. Nằm cạnh bến tàu Đại Đạo Trình, từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, con phố Địch Hóa luôn là trung tâm phân phối các loại mặt hàng như hàng khô Nam Bắc, trà, nguyên liệu thuốc bắc và vải vóc ở Đài Bắc.
Vào năm 1853, người Đồng An (đến từ Hạ Môn, Chương Châu, huyện Kim Môn, huyện Bành Hồ) đến tị nạn ở Đại Đạo Trình. Năm 1860, khu Đại Đạo Trình mở cảng, năm 1865 thương gia người Anh John Dodd đã mang giống cây trà vùng An Khê, Phúc Kiến, Trung Quốc sang trồng trọt ở miền Bắc Đài Loan, khởi nguồn ngành trồng trà Đài Loan và mở ra quang cảnh sao trà ở khu Đại Đạo Trình. Kể từ đó, sản phẩm Trà Ô Long Formosan được quảng bá ra thị trường toàn cầu, Đài Loan cũng nhờ cơ hội này đã chính thức gia nhập hệ thống kinh tế thế giới.
Trong cuốn sách “Bách niên Địch Hóa phong hoa”, tác giả Hứa Lệ Cầm (Xu Liqin) đã kể rất chi tiết câu chuyện của các chủ doanh nghiệp xuất thân từ phố Địch Hóa. Ví dụ như ông Hầu Vũ Lợi (Hou Yuli), ông Ngô Tu Tề (Wu Xiuti) được gọi là phe Đài Nam, khởi nghiệp từ nghề buôn vải vóc, sau khi tích lũy đủ vốn đã đầu tư vào ngành sản xuất, sáng lập công ty dệt may Đài Nam, sau đó tiếp tục phát triển mở rộng thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa dạng hóa.
Cũng như ông Cao Thanh Nguyện- chủ doanh nghiệp Uni-President, từ ngành dệt may ông chuyển sang phát triển nhà máy bột mì, từ đó tạo dựng nên cơ ngơi vương quốc thực phẩm của Đài Loan. Kỷ nguyên mới của cửa hàng tiện lợi cũng khởi nguồn từ doanh nghiệp Uni-President, sau khi được Tổng công ty 7-Eleven ủy quyền kinh doanh, tận dụng mô hình dịch vụ sáng tạo để thay đổi phương thức tiêu dùng và lối sống của người dân Đài Loan. Cũng chính cuộc sống tiện lợi này đã mang lại ấn tượng tốt đầu tiên trong con mắt đa số người nước ngoài khi đến với Đài Loan.
Ngoài ra cũng phải kể đến các loại bánh snack mà người Đài Loan ăn từ bé đến lớn như Pea crackers, Cadina của thương hiệu lâu năm “Thực phẩm Lian Hwa”, v.v... Những điều bé nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đều xuất phát từ con phố Địch Hóa, có thể nói con phố này chính là nơi làm nên cơ ngơi đầu tiên của Đài Bắc.
Hàng hóa chất cao như núi ở phía trước hiên cửa tiệm là khung cảnh thường nhật của phố Địch Hóa.
Cửa tiệm thuốc bắc dệt nên bức tranh phong cảnh cuộc sống người dân thành phố
Những cửa tiệm bán thuốc bắc lại tạo nên một quang cảnh khác cho con phố Địch Hóa. “Vì thuốc bắc được giao dịch nhập khẩu thông qua cảng sông, cho nên các cửa tiệm thuốc bắc mới tập trung trên phố Địch Hóa”, thế hệ thứ hai tiếp quản kinh doanh tiệm thuốc bắc Hoàng Trường Sanh (Huang Chang Sheng) - cô Hoàng Tú Trăn (Huang Xiu Zhen) giải thích nguồn gốc các nhà thuốc bắc trên phố Địch Hóa.
Cuộc sống của lớp thanh niên thế hệ mới có thể nói rất hiếm có sự liên kết với ngành thuốc bắc nhưng thực ra các cửa tiệm thuốc bắc rất gần gũi với chúng ta. Cô Hoàng Tú Trăn nói: “Thời cửa hàng tiện lợi còn chưa phát triển thì cửa tiệm thuốc bắc cũng giống như cửa hàng 7-11 bây giờ vậy, trong tiệm hầu như có đủ mọi thứ đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mọi người”. Chẳng hạn như vào buổi sáng có thể vào tiệm uống một ly sữa hạt ý dĩ, mua tiêu trắng, vài túi hầm thịt kho hoặc túi hầm trứng trà, kể cả những hương liệu để nấu canh tứ thần như hoài sơn, hạt sen, khiếm thực, phục linh cũng có bán. Thậm chí vào ngày hè nóng bức, mọi người muốn giải khát, giảm bớt cảm giác ngấy bằng một ly nước mơ chua, tất cả đều là vị thuốc bắc.
Cho đến nay, ở nhà thuốc bắc Hoàng Trường Sanh thi thoảng vẫn nhìn thấy những tờ giấy gói thuốc được đặt trên chiếc bàn dài, ông chủ bốc các vị thuốc từ ngăn tủ phía sau ra sắp xếp lên những từ giấy này, sau đó từng thang thuốc được đóng gói lại ngay ngắn, hương thơm của thuốc bắc lan tỏa khắp không gian cửa tiệm.
Trên tờ giấy gói thuốc màu hồng không chỉ được dán tem ghi rõ biểu ngữ và hình ảnh vị thuốc mang phong cách cổ xưa, mà còn ghi chú chi tiết cách sắc thuốc với năm bước, bỏ vào nồi cơm điện, rót 2 ly nước đổ vào chưng rồi nhấn nút bật là xong.
Nghĩ ra cách sắc thuốc bắc thông minh nhanh gọn như thế là vì nhà thuốc bắc Hoàng Trường Sanh muốn đưa nguyên liệu thuốc bắc đến gần hơn với du khách nước ngoài, cho nên đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm khá phong phú, ví dụ như túi nguyên liệu nấu rượu vang nóng, túi thuốc ngâm chân, túi thuốc tắm, ngoài ra còn rất chu đáo sản xuất loại túi thuốc tắm dành riêng cho sản phụ, thuốc tẩm bổ khi ở cữ, có cả túi ngải cứu tắm cho trẻ sơ sinh. Người Âu Mỹ rất hiếu kỳ đối với các loại hương liệu phương Đông, và cũng rất thích túi hương liệu để kho các loại thực phẩm đậm chất Đài, túi trà thuốc bắc có vị như trà hoa thảo mộc nên rất gần gũi với thói quen văn hóa của họ, chính vì thế rất được khách Âu, Mỹ yêu chuộng.
Cô Hoàng Tú Trăn (bên trái) và con gái Liêu Đình Nghiên (bên phải) cùng cố gắng đưa thuốc bắc trở lại với cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân thành phố.
Những vị khách lớn tuổi sẽ đặc biệt đến tiệm để bốc thuốc hoặc đến lấy thuốc, bầu không khí này mang hàm ý chúc phúc cho mọi người.
Dùng hàng khô Nam Bắc để tìm lại truyền thống bữa cơm tất niên
Năm đó người Đồng An đến Đại Đạo Trình đã nhìn ra được điều kiện địa điểm bến cảng nơi đây nên bắt đầu triển khai các hoạt động giao thương qua lại giữa hai bờ eo biển, kể từ đó đã tập hợp đủ mọi loại hình kinh doanh, ai muốn làm ăn buôn bán đồ khô Nam Bắc sẽ đến phố Địch Hóa, gia tộc Lý Nhật Thắng (Li Ri Sheng) chính là một trong số những thương gia thời đó.
Ông nội anh đến mưu sinh trên phố Địch Hóa từ lúc mới mười mấy tuổi, gia tộc họ Lý cũng cắm rễ lập nghiệp ở vùng đất này từ thuở đó. Sau khi gả vào nhà họ Lý, mẹ anh Lý Nhật Thắng là bà Vương Lệ Bình (Wang Li Ping) đã theo cha mẹ chồng học cách kinh doanh đồ khô Nam Bắc, năm 1986 thành lập nên Công ty hữu hạn Lý Nhật Thắng, lấy tên con trai đặt tên cho thương hiệu. Tiếp quản cơ ngơi kinh doanh của gia đình, anh Lý Nhật Thắng nhắc lại ký ức của mình đối với con phố Địch Hóa: “Lúc còn bé tôi thấy khu vực này chẳng giống với sự tráng lệ của Đài Bắc tí nào, khu phố này thực ra rất truyền thống”. Anh chia sẻ tiếp: “Sống ở khu này, hàng xóm đều quen mặt, chào hỏi lẫn nhau, ở Đài Bắc khó tìm ra được một nơi như thế này. Cách sinh hoạt cũng vậy, ở đây sau 6 giờ chiều là đường phố vắng lặng, mọi người đều đã đóng cửa nghỉ ngơi”.
Nhưng khi đến dịp Tết âm lịch thì quang cảnh khác biệt hoàn toàn, anh Lý Nhật Thắng nhớ lại: “Vào khoảng 3 tháng trước ngày giao thừa là cả nhà bắt đầu bận rộn, bắt đầu lên lịch, chuẩn bị trữ hàng”. Ngày thường các cửa tiệm chỉ trưng bày hàng hóa trước hiên nhà, đến mùa bán hàng Tết thì mọi ngóc ngách của tiệm hàng khô nào cũng tràn ngập hàng hóa.
Chúng ta thường nghĩ du khách Âu, Mỹ lạ lẫm với đồ khô, cũng không hiểu gì về trứng cá đối nhưng anh Lý Nhật Thắng lại cho rằng sấy khô là một trong những phương pháp bảo quản thực phẩm phổ biến trên khắp thế giới. Trứng cá đối không xa lạ với người phương Đông và cả phương Tây, trong ẩm thực Pháp và Ý đều sử dụng trứng cá đối nhưng họ dùng phương pháp chế biến sấy khô hoàn toàn rồi mang đi xay thành bột để làm gia vị nhằm tăng thêm mùi thơm cho món ăn. Anh Lý Nhật Thắng chọn loại trứng cá đối tự nhiên được làm thủ công của Đài Loan làm sản phẩm chủ đạo mang đi tiếp thị, nhấn mạnh rằng chỉ có mảnh đất Đài Loan mới có thể sản xuất ra được hương vị Đài Loan độc nhất vô nhị. Dùng phong vị Đài Loan giao lưu với thế giới, thực phẩm là cầu nối dễ dàng nhất. Cửa tiệm Lý Nhật Thắng đã mở ra cánh cửa giao lưu văn hóa Đông Tây bằng chính sản phẩm trứng cá đối Đài Loan độc đáo.
Mặt tiền cửa tiệm Lý Nhật Thắng giúp mọi người có thể nhận biết được cửa tiệm chủ yếu bán hàng khô hải sản Nam Bắc.
Anh Lý Nhật Thắng hy vọng dùng hàng khô Nam Bắc tìm lại nét truyền thống của bữa cơm giao thừa.
Đồ khô Nam Bắc thường xuất hiện trên bàn ăn tất niên Đài Loan nhưng chúng lại khá xa lạ đối với thế hệ trẻ không xuống bếp nấu ăn. Anh Lý Nhật Thắng đã dùng cách đơn giản nhất để chỉ dẫn cho khách hàng làm sao để nấu nướng các loại đồ khô Nam Bắc, biến chúng thành món ngon trên bàn tiệc ngày Tết. “Bữa cơm đêm giao thừa của nhiều gia đình thường bắt đầu sau tiếng tít tít của lò vi sóng, rồi mọi người mới ngồi vào bàn!”. Anh Lý Nhật Thắng vừa cười vừa nói, nhưng ngày xưa không như thế đâu, ngày xưa sau buổi trưa là cả nhà đã từ từ tụ họp lại, bận rộn chuẩn bị, trò chuyện rôm rả với nhau những câu chuyện thường ngày, thì ra bầu không khí và cảnh tượng lúc đó chính là nét “truyền thống” mà anh Lý Nhật Thắng muốn lưu giữ lại.
Nơi gặp gỡ bốn mùa của Đài Loan
Từ 4 giờ sáng, nơi đây đã bắt đầu tất bật bán đấu giá hoa, đến 5-6 giờ sáng thì những người mở shop hoa, nhà thiết kế hoa hoặc các lớp học cắm hoa nghệ thuật sẽ lần lượt đến đây để mua hoa, người dân cũng ghé đến chọn mua vài nhành hoa đẹp về chưng trong nhà. Khi đồng hồ điểm 12 giờ trưa thì các gian hàng hoa chuẩn bị đóng cửa, nếu ai muốn mua hoa thì mai phải đến sớm hơn một chút.
Tổng giám đốc Hiệp hội phát triển hoa Đài Loan, cô Hoàng Lệ Quyên (Betty Huang) vừa hướng dẫn tham quan vừa nói: “Chợ hoa Đài Bắc là chợ bán sỉ và bán lẻ hoa các loại quy mô lớn nhất Đài Loan với tổng cộng hơn 200 gian hàng, nhìn chung thì 80% là hoa bản địa Đài Loan, 20% còn lại là hoa nhập khẩu”. Hoa trong chợ đến từ khắp nơi trên cả nước, các khu vực trồng hoa chủ yếu là Đài Trung, Chương Hóa, Nam Đầu, Vân Lâm, Gia Nghĩa và Đài Nam. Mùa thu và mùa đông là mùa thu hoạch hoa cao điểm, mùa hè thời tiết nóng bức không thuận lợi cho việc sản xuất hoa, vì vậy thi thoảng có thể thấy những loài hoa nhập khẩu từ các nước như Hà Lan, Ecuador, Việt Nam, Úc, New Zealand để bổ sung cho nhu cầu của thị trường.
Làm trong ngành hoa hơn 30 năm, cô Hoàng Lệ Quyên chỉ ra rằng: “Chi tiêu mua hoa ở Đài Loan đại đa số là dùng để cúng bái ở đền chùa, chiếm hơn 30%, người Đài Loan cứ vào mùng 1 và ngày rằm là sẽ cúng bái, các cửa tiệm kinh doanh thì cúng vào mùng 2 hàng tháng, đều phải dùng đến hoa”.
Còn đối với sự thay đổi của thị trường, cô Hoàng Lệ Quyên chia sẻ theo những gì quan sát được rằng: “Các loại hoa truyền thống trước đây thường là hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn v.v..., màu sắc đa phần là các màu truyền thống như đỏ, trắng, vàng, tím nhưng 10 năm trở lại đây, các loài hoa như hoa cát tường, lan vũ nữ, cúc ngũ sắc, cúc đồng tiền, v.v..., đều là những loài hoa mới, giống hoa và chủng loại ngày càng trở nên đa dạng hơn”.
Còn các loại nguyên liệu hoa lá đệm ngày nay mang lại khá nhiều bất ngờ cho mọi người, trước đây đa số đều dùng lá thủy tùng và hoa baby nhưng nay trên các gian hàng có đủ các loại như lá khuynh diệp, trầu bà lá xẻ, trúc thiên môn, lá Dracaena fragrans, cúc Echinops bannaticus, lá trắc bá diệp, dương xỉ tổ chim hoặc các loài thực vật hoa ẩn có mạch v.v..., còn có những loài lá hình dáng ngộ nghĩnh không biết phải gọi bằng tên gì được bày bán khắp các gian hàng.
Đôi khi các nhóm chuyên gia về hoa đến từ nước ngoài ghé thăm chợ hoa, cô Hoàng Lệ Quyên chia sẻ, cô thường xuyên nhận được lời khen ngợi sự đa dạng của chợ hoa Đài Loan từ các vị khách nước ngoài, họ khen một quốc gia nhỏ bé mà lại có những chủng loại thực vật phong phú như thế. “Chỉ riêng một gian hàng mà đã thu thập nhiều chủng loại như vậy, từ đó đã cho thấy ngành trồng hoa phong phú đến nhường nào”, cô Hoàng Lệ Quyên đưa ra lời kết.
Để cuộc sống thêm phần tươi mới, nhiều người dân sẽ đến chợ hoa chọn mua hoa tươi về trang trí cuộc sống hàng ngày.