Tầm nhìn mới của thành phố cảng Kaohsiung. Guồng quay phát triển văn hóa, hướng tới tương lai mở rộng
Bài‧Kuo Han-chen Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 8 2017
2016年初夏,氣溫雖然有些燠熱,然而,駁二藝術特區裡的鐵道雕塑公園早已笑聲不斷,熱鬧傳開,大人們悠閒散步,小朋友忘情地在廣闊草地放著風箏,遠道而來的旅人湧進各倉庫區,好奇探看這裡展出的鋼雕藝術。
一手擘畫和執行此一文化建設的高雄市長陳菊與前文化局長史哲,來此也總是瞇瞇笑看著人潮進進出出,歡迎大家走入港都溫暖的文化懷抱裡。
Đầu hè năm 2016, dù thời tiết nắng nóng, nhưng công viên điêu khắc đường sắt trong đặc khu triển lãm nghệ thuật The Pier-2 Art Center (Khu Bác Nhị) đã nhộn nhịp, rộn rã tiếng cười, người lớn thì thong dong dạo bước, còn trẻ nhỏ thì háo hức chơi thả diều trên bãi cỏ rộng thênh thang. Khách du lịch từ phương xa tới, tấp nập đi vào các nhà kho triển lãm, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tạo hình từ thép, để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình.
Người tự tay lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch xây dựng khu triển lãm văn hóa này, là bà Chen Chu(Trần Cúc)- Thị trưởng thành phố Kaohsiung (Cao Hùng) và ông Shih Che(Sử Triết)- cựu Cục trưởng Cục văn hóa, mỗi lần tới đây đều phải mỉm cười hài lòng khi nhìn dòng người ra vào tấp nập, đồng thời chào mừng mọi người cùng hòa mình vào không khí văn hóa ấm áp của thành phố cảng nơi đây.
Đặc khu triển lãm nghệ thuật The Pier-2 Art Center mà 30 năm trước chẳng mấy ai biết đến, ban đầu nơi đây chỉ là một nhà kho của cầu tàu số 2, trong bến tầu số 3 của cảng Kaohsiung, bị đóng cửa bỏ hoang nhiều năm, mãi cho đến năm 2000, lần đầu tiên được trận pháo hoa mừng ngày quốc khách chiếu sáng, khu này tuy nằm ở vị trí hẻo lánh, nhưng mặt bằng rỗng rãi, rất có tiềm năng phát triển.
Sự chuyển mình của The Pier-2 Art Center
Đó là khi khắp Đài Loan đều tưng bừng không khí phát triển ý tưởng xây dựng các khu sáng tạo văn hóa, thành phố Kaohsiung cũng thấy rằng phong trào đang đi lên, nên Sở văn hóa đã lên kế hoạch mở cửa vận dụng không gian khu Pier-2 (Bác Nhị), đồng thời mở ra khu phố đi bộ, kết hợp với tuyến đường đi xe đạp ven cảng Xilin(Tây Lâm Cảng), khiến khách du lịch ra vào tham quan càng thuận tiện hơn. Ngoài ra, còn tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng về đêm trong khu này, vừa đảm bảo tính an toàn, lại vừa làm cho khu nhà kho cũ trở nên đậm chất nghệ thuật hơn.
Thị trưởng Chen Chu đã tổ chức một loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu The Pier-2 Art Center, bao gồm Lễ hội thiết kế dành cho giới trẻ Kaohsiung, Lễ hội nghệ thuật chữ Hán, Lễ hội nghệ thuật tạo hình thép, Lễ hội nghệ thuật thiết kế container, và triển lãm thiết kế tượng với chủ đề Người Kaohsiung, khiến cho người dân Kaohsiung như được đắm mình trong dòng sông nghệ thuật đa nguyên.
Nghệ thuật gia tạo hình từ thép Liang Jen Hung(Lương Nhậm Hoành) cho rằng, khu The Pier-2 Art Center là một sân chơi rất thích hợp cho các nghệ thuật gia thể hiện tài năng, không chỉ vì nơi đây có mặt bằng rộng rãi, mà còn mang tính chất thực nghiệm, tác phẩm tạo hình từ thép của ông, đã từng lấy ý tưởng từ phong cảnh và những cơn gió nhẹ ở khu này, kết hợp với các loại vật liệu phong phú, mang lại hiệu quả thể hiện động lực, ánh sáng và âm hưởng.
Thị trưởng Chen Chu đã rất tự hào nói rằng, thực ra toàn bộ khu đất này đều không thuộc quyền sở hữu của thành phố Kaohsiung, tất cả đều là thuê mướn từ các đơn vị khác, điều này cho thấy niềm tin sâu sắc của các đơn vị đối với kế hoạch của chính quyền thành phố, khiến cho khu The Pier-2 Art Center từ một góc khuất chẳng mấy ai để ý đến, đã trở thành một điểm đến mới thú vị của thành phố văn hóa Kaohsiung.
Tam giác vàng văn hóa mở ra hành trình du lịch tự do trên thành phố cảng
Mọi người đều yêu thích không gian nghệ thuật rộng rãi khoáng đãng, ung dung tự tại của khu The Pier-2 Art Center, nên Cục văn hóa đã phát triển mở rộng đặc khu này. Thông qua tuyến đường hàng không giáp biển, men theo bến cảng Kaohsiung, đặc khu này cùng với Lãnh sự quán nước Anh Takow và Khu văn hóa cảng Hong Mao (Hồng Mao) cạnh đó, đã tạo nên một tuyến đường du lịch được mệnh danh là tam giác vàng của vùng đất cảng, mà khách du lịch vô cùng ưa chuộng.
Vào dịp cuối tuần, cả gia đình du khách họ Trương đến từ khu Feng Shan (Phụng Sơn), thành phố Kaohsiung, đã trải nghiệm chuyến du thuyền văn hóa do Cục văn hóa tổ chức, men theo bến cảng đi khám phá Hành trình thám hiểm của Swinhoe, tam giác vàng bến cảng Kaohsiung, tham quan cảng Hong Mao, du thuyền Hoàng Hôn Lãng Mạn từ khu The Pier-2 Art Center tới Lãnh sự quán nước Anh. Trong đó, tuyến đường biển Hành trình thám hiểm của Swinhoe, chính là tuyến đường năm xưa của ngài đại sứ nước Anh đầu tiên Swinhoe, đến Takao(tên gọi cổ xưa của cảng Kaohsiung) thăm dò, mọi người cùng lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của ngài Swinhoe và cảng Kaohsiung trong tiếng sóng vỗ đều đều vào mạn thuyền.
Du thuyền văn hóa cũng ghé thăm một điểm du lịch văn hóa quan trọng khác, đó là Khu văn hóa cảng Hong Mao. Khu này nằm tại cửa vào cảng số 2 ở bến cảng Kaohsiung, là một cảng cá đã có trên 100 năm lịch sử, kể từ năm 2007, sau khi cảng Hong Mao di chuyển đi nơi khác, Cục văn hóa, Hiệp hội văn hóa cảng Hong Mao và Cục tàu điện ngầm hợp tác xây dựng rất nhiều điểm du lịch, như Nhà hàng xoay 360 độ trên tòa tháp hình chữ 高 (Cao), Nhà triển lãm, Khu triển lãm ngoài trời, Cầu đi bộ trên cao, tạo cơ hội cho du khách khám phá hành trình tìm về với bề dày lịch sử văn hóa 400 năm của ngành ngư nghiệp nơi đây.
Trái tim văn hóa của thành phố tràn đầy sức sống
Ông Zeng Gui Hai(Tăng Quý Hải), một nhà thơ nổi tiếng ở Kaohsiung, kiêm chủ tịch Quỹ Văn Học Đài Loan cho hay, những công trình văn học mà Cục văn hóa kiến tạo trong những năm gần đây, khiến mọi người đều cảm thấy kinh ngạc, ví dụ như Kế hoạch hỗ trợ sáng tác và xuất bản văn học viết về Kaohsiung, Giải thưởng văn học dành cho thanh niên thành phố Kaohsiung… đều góp phần tìm ra các nhà sáng tác văn học tài năng trẻ tuổi, từ đó thổi vào nền văn học miền nam một luồng gió mới.
Tổng thư viện thành phố Kaohsiung, nằm tại tòa nhà Asia New Bay Area, chính là trái tim văn hóa của tất cả thư viện trên toàn thành phố. Ông Shih Che cho biết, “Việc xây dựng tổng thư viện, hoàn toàn là do chính quyền thành phố Kaohsiunglên dự toán, Cục văn hóa cũng đã đến hơn mười quốc gia để “thỉnh kinh”, tìm hiểu tình hình các thư viện quy mô lớn ở các nước để học hỏi kinh nghiệm, mới có được công trình lớn mang tầm vóc quốc tế đa nguyên hóa như vậy.
Tổng thư viện xây dựng không khí đọc sách với phương châm “Mỗi người là một cuốn sách, trong mỗi cuốn sách đều là những con người”, độc giả có thể lấy sách đọc mọi lúc. Tổng thư viện có tất cả hơn 1000 chỗ ngồi, cùng với không gian nghệ thuật công cộng trong thư viện được bài trí quy củ, vì thế mà dân chúng luôn được đắm mình trong không gian nghệ thuật và sách báo nơi đây, việc đọc sách cũng giúp tâm hồn trở nên phong phú hơn.
Nhằm nâng cao sự thoáng đãng cho cả khu thư viện, tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc tầng treo, ở hai bên đều có trồng cây cối, riêng tầng 6 đến tầng 8 có trồng cây trong thư viện, cho thấy sự gắn bó chặt chẽ với sinh thái tự nhiên, đã trở thành một kiến trúc xanh đích thực, cũng vì vậy mà thư viện này đã đoạt giải xuất xắc trong cuộc thi kiến trúc xanh toàn quốc. Ông Shih Che đặc biệt nhấn mạnh, ở mỗi tầng của thư viện, không gian nghệ thuật công cộng đã trở thành một giá trị cốt lõi, trong đó có đưa vào biểu diễn văn hóa nghệ thuật, diễn thuyết hàng tuần dành cho người dân trong thành phố, khiến cho dưỡng chất văn hóa trở thành một món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống của người dân Kaohsiung.
Để khuyến khích trẻ em đọc sách, tổng thư viện đã thu thập truyện tranh thiếu nhi từ 14 nước trên thế giới, đặc biệt có thành lập Trung tâm truyện tranh Đông Nam Á, trở thành nơi mà các bạn nhỏ vô cùng yêu thích.
Thị trưởng Chen Chu cũng đã dành hết sức mình để quảng bá văn học, từ năm 2003, Giải thưởng văn học Takow được tổ chức 2 năm 1 lần. Năm 2011, do thành phố và huyện được xác nhập lại, nên Giải thưởng văn học được đổi tên thành Giải thưởng văn học Takow- Feng Yi (Phụng Ấp), mỗi khóa đều chọn lọc được những sáng tác văn học xuất sắc. Hơn nữa, tháng 12 năm 2015, Cục văn hóa xuất bản cuốn sách mang tên “Đến từ ánh nắng, ngòi bút có vị mặn”, thể hiện hình tượng của 30 vị tác giả sinh sau năm 1960, xuất thân tại Kaohsiung, cho thấy một bảng thành tích đáng tự hào của nền văn học nơi đây.
Bữa tiệc văn hóa nghệ thuật từ khắp thành thị đến nông thôn
Bà Liu Fu Mei(Lưu Phúc Mỹ), hiện đảm nhiệm vai trò chủ tịch Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia hình dung rằng, “sống ở Kaohsiung, có một cảm giác hạnh phúc khó tả”. Bà nói, trong những năm gần đây, kiến tạo văn hóa thành phố Kaohsiung đang phát triển mạnh mẽ, bà năm nào cũng đi tham dự Lễ hội nghệ thuật trên thảm cỏ, mọi người ngồi trên thảm cỏ, thưởng thức các phần trình diễn đạt tiêu chuẩn thế giới của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, tâm hồn lạc vào chốn bữa tiệc cổ tích đẹp như mơ. Những điều này có được chủ yếu là do tầm nhìn xa và sức bứt phá của Thị trưởng Chen Chu và cựu Cục trưởng Cục văn hóa Shih Che.
Hoạt động nghệ thuật của thành phố Kaohsiung, từ trung tâm thành phố phồn hoa nhộn nhịp, đến những vùng quê xa xôi hẻo lánh, bất cứ nơi đâu cũng đều có mặt. Cục văn hóa lần lượt đưa ra các hoạt động đặc sắc, nửa đầu năm có Lễ hội nghệ thuật mùa xuân Kaohsiung, lấy trung tâm thành phố làm sân khấu chính, nửa cuối năm lại có Lễ hội các loại hình nghệ thuật đặc sắc ZhuangTou (Trang Đầu), đi sâu vào các miền quê xa xôi ở Kaohsiung, chủ động đưa biểu diễn văn hóa hóa nghệ thuật đến tận nhà mỗi người dân.
Thị trường Chen Chu cũng thường hòa nhập với người dân, ngồi trên thảm cỏ thưởng thức những bài biểu diễn lay động lòng người trong Lễ hội nghệ thuật mùa xuân Kaohsiung. Bắt đầu từ năm 2010, hoạt động này mời các đoàn biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước, lần lượt công diễn tại hội trường Chí Đức Đường ở trung tâm văn hóa, Trung tâm văn hóa nghệ thuật Dadong (Đại Đông), sân khấu Chính Cảng trong đặc khu nghệ thuật The Pier-2 Art Center, sân khấu tổng thư viện thành phố Kaohsiung, và bãi cỏ trước mặt hồ ở bảo tàng nghệ thuật thành phố Kaohsiung.
Lễ hội các loại hình nghệ thuật đặc sắc ZhuangTou, đã bước vào năm thứ năm, hoạt động này lan tỏa đến từng ngóc ngách ở Kaohsiung, biểu diễn ca tải hỷ(Taiwanese Opera), hài kịch, kịch thiếu nhi và chương trình ca nhạc. Đến các vùng quê biểu diễn vào thời gian cố định hàng năm, vở kịch “Vân Môn 2” được các em nhỏ rất yêu thích, hơn 20000 em nhỏ đã thưởng thức vở kịch, mong rằng qua đó gieo vào lòng các em hạt mầm văn hóa nghệ thuật.
Cục văn hóa cũng hết sức đầu tư cho dòng phim ảnh và âm nhạc mà giới trẻ yêu thích nhất, trong đó đáng phải kể đến là Lễ hội điện ảnh Kaohsiung đã tổ chức 15 năm nay, với 3 đặc điểm là nhiệt huyết ly kỳ, sâu sắc thú vị, và phát hiện tinh thần điện ảnh mới. Ngoài ra, Trung tâm phát triển điện ảnh Kaohsiung cũng hỗ trợ rất nhiều cho các đoàn làm phim đến quay tại Kaohsiung hoặc hợp tác quay hậu kỳ, ví dụ các bộ phim “Bạn gái, bạn trai”(GF*BF), “Trăm ngày cáo biệt”(Zinnia Flower) và “Elena”, đều là những thành quả lớn trong việc hợp tác quay phim.
Asia New Bay Area, dấu mốc văn hóa mới
Viễn cảnh văn hóa thành phố cảng, chính là khu Asia New Bay Area mà hiện nay Thị trưởng Chen Chu đang đẩy mạnh phát triển, nơi đây sẽ trở thành địa điểm mới trong phát triển văn hóa Kaohsiung, thành phố với bến cảng trải dài 10km trong tương lai. Kết hợp với hệ thống đường sắt vòng quanh thành phố, một tuyến giao thông mới, hiện nay đã xây dựng hoàn tất công trình đường sắt giai đoạn 1, và đang được đưa vào sử dụng thử nghiệm.
Thêm một bản đồ văn hóa quy mô hơn nữa, sẽ lấy việc khai thác các địa điểm có giá trị truyền thống làm xuất phát điểm mới. Kaohsiung trước đây phân chia thành “thành phố cũ” ZuoYing (Tả Doanh), và “thành phố mới” Feng Shan (Phụng Sơn). Ý tưởng của Thị trưởng Chen Chu là, ZuoYing không những còn giữ được cổng thành cũ một cách hoàn chỉnh, còn có ưu thế về giao thông với trạm tàu cao tốc ZuoYing, tương lai sẽ kết hợp với các danh thắng xung quanh như SheShan (Xà Sơn), GuiShan (Quy Sơn), LianChiTan (Liên Trì Đàm), khai thác khu xưởng cũ của công ty dầu khí Đài Loan rộng hơn 100 hecta cạnh đó.
Một kế hoạch khác nữa là khai thác “thành phố mới” Feng Shan, hiện nay Thư viện Phụng Nghi đã được tu sửa hoàn tất. Hơn nữa hai khu ZuoYingvà Feng Shan, đều có xe bus văn hóa hoạt động, hai trạm này nối lại với nhau, sẽ trở thành tuyến đường mới của hai khu di sản văn hóa truyền thống.
Nô nức gần xa, ngày càng có nhiều người đến với Kaohsiung, làm bừng lên hơi thở văn hóa nghệ thuật sáng tạo của vùng đất phương nam này. Sự chuyển mình của Kaohsiung, từ việc xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật, cho đến việc phát triển mọi cung bậc văn hóa nghệ thuật, đều khiến cho thành phố cảng toát lên vẻ đẹp của một thành phố văn hóa lớn.