Thời kỳ Phục hưng” của măng Đài Loan
Văn hóa măng, tre và thái độ cuộc sống
Bài‧Mei Kuo Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 12 2024
Cây tre, với dáng cao thanh mảnh, thân cây dẻo dai, quanh năm suốt tháng đều tràn ngập sức sống. Họa sĩ nổi tiếng Đài Loan Lam Âm Đỉnh (Ran In-ting, 1903-1979) từng có một bức tranh màu nước mang tên House Surrounded by Bamboo (“Ngôi nhà giữa rừng trúc”), vẽ lại cuộc sống điền viên nơi xóm làng ẩn mình sau những mảng rừng tre, trúc.
Đài Loan có tài nguyên tre, trúc đa dạng và phong phú, tre, trúc cũng gắn liền với con người và xã hội nông nghiệp truyền thống của Đài Loan. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ứng dụng của tre, trúc trong đời sống cũng dần dần được hiện đại hóa, thậm chí thăng hoa thành một thái độ trong cuộc sống.
Mùa thu hoạch măng tre Lục Trúc tại Đài Loan là vào những tháng hè, vị măng thanh ngọt như quả lê, là một trong những nông sản mùa vụ được yêu thích nhất. Ông Châu Lương Phú (Zhou Liang-fu) – tổ trưởng tổ dân phố Laoquan, khu Muzha, thành phố Đài Bắc và cũng là nông dân trồng măng, đã cùng vài anh em trong gia đình dẫn chúng tôi vào rừng tre để hái măng tre Lục Trúc. Trước khi xuất phát, mọi người được trang bị nhang muỗi giắt ngang lưng, đeo bao tay, mặc áo chống muỗi, sau đó mới cùng vào rừng tìm “bạn măng”.
Măng tre là phần gốc còn non của cây tre trước khi chúng phát triển thành tre trưởng thành, tùy vào giống tre mà măng được thu hoạch vào trước hay sau khi chúng trồi lên mặt đất, ví dụ như tre mai xanh thì phải hái sau khi chúng đã mọc lên trên mặt đất, còn măng tre Lục Trúc thì do sau khi mọc ra khỏi đất, chúng sẽ quang hợp và sản sinh ra vị đắng, cho nên nếu muốn hái măng tre Lục Trúc thì phải thu hoạch khi chúng chưa nhú ra khỏi đất.
Ông Châu Lương Phú nói, tre là loài ưa ẩm, khi hái măng tre Lục Trúc, có thể phán đoán vị trí của măng bằng cách quan sát xem mặt đất có bị nứt và bị ẩm hay không. Nếu đi hái măng vào mùa thu hoạch, bạn sẽ không bao giờ thất vọng bởi mặt đất trong bụi tre có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều “tín hiệu” cho biết măng mọc ở đâu. Ông Châu Lương Phú dùng tay không để xới phần đất trên bề mặt sang bên, phần ngọn măng tre liền hiện ra trước mắt, sau đó dùng dao cắt măng để xúc đất cho đến khi cả một khúc măng to như sừng trâu lộ hẳn ra ngoài, dò tìm thấy phần mắt của măng rồi dùng dao cắt thẳng một nhát, chỉ nghe “soạt” một tiếng, ông Châu Lương Phú đã thu được một khúc măng tre Lục Trúc. Cứ như thế, nhóm đã thu hoạch được gần 20 khúc măng trong bụi tre này.
Vào mùa hè, măng tre Lục Trúc thường không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ông Châu Lương Phú thường tranh thủ mang măng ra chợ khi chúng còn tươi, lúc nào cũng “cháy hàng” rất nhanh và rất được giá. Măng tre Lục Trúc có thể chế biến bằng cách luộc nguyên vỏ, rồi đem ướp lạnh hoặc trộn sốt mayonaise để làm thành món salad thanh mát, thơm ngon.
Tổ dân phố Laoquan ở khu Muzha, thành phố Đài Bắc hoan nghênh người dân đến hái măng, vừa vui chơi vừa học hỏi kiến thức.
Khi hái măng, có thể phán đoán vị trí của măng thông qua trạng thái nứt gãy của mặt đất phía trên ngọn măng và độ ẩm của đất.
Hình tượng tre, trúc trong văn hóa phương Đông
Tre, trúc là nhóm thực vật thân xanh đa niên thuộc phân họ Tre, một phân họ trong họ Hòa thảo (Poacaea), trên thế giới có hàng nghìn loài tre, trúc khác nhau. Ngoài châu Âu, các châu lục khác đều có các loài tre phát triển trong tự nhiên, chủ yếu là các vùng nhiệt đới, nơi có độ ẩm cao, trong đó có đến 80% là phân bố tại châu Á, nhất là Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Bởi thế không khó để hiểu rằng, tre, trúc được xem như hình tượng tiêu biểu trong văn hóa phương Đông.
Tre được chia thành hai loại gồm loại mọc thành từng bụi và mọc lẻ tẻ, tốc độ sinh trưởng của tre rất nhanh, bình quân chúng có thể mọc khoảng 18 cm mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn nữa và chỉ khoảng từ 3-5 năm là có thể thu hoạch để làm vật liệu. Tre có tác dụng ngăn chặn sự xói mòn của đất và có khả năng sinh sôi rất mạnh, tỉa thưa bụi tre bằng cách chặt bớt những cây tre già sẽ giúp tạo thêm không gian cho măng non phát triển và nâng cao chất lượng cây tre. Đại đa số các loài tre cả đời chỉ ra hoa một lần và sau đó sẽ chết dần, thế nhưng phần thân rễ dưới mặt đất của chúng lại không héo tàn, mà trải qua 5-10 năm sau, chúng sẽ lại mọc ra những mầm non mới và tạo thành rừng tre xanh ngát.
Từ xưa đến nay, tre, trúc vẫn luôn là loài thực vật quen thuộc gắn liền với đời sống con người, mỗi bộ phận của cây như rễ, thân, măng, vỏ, cành, lá đều có thể được tận dụng để phục vụ cho các nhu cầu đời sống như ăn uống, trang phục, nhà ở, đi lại, giải trí. Măng tre có thể làm thức ăn, vỏ tre có thể dùng làm nón lá, lá tre dùng để gói bánh, cành tre dùng làm chổi, đũa hay chuồn chuồn tre, thân tre dùng làm sáo trúc, làm nhà, làm kiệu, hoặc đốt thành than tre… Chúng vẫn luôn hiện diện trong đời sống thường ngày của chúng ta.
Tài nguyên rừng tre, trúc của Đài Loan
Chuyên gia về các loài tre, trúc Đài Loan – ông Lữ Cẩm Minh (Lu Chin-ming) nói, Đài Loan có khí hậu nóng ẩm, lượng mưa dồi dào, từ Nam đến Bắc, từ đồng bằng đến cao nguyên, tre, trúc và măng đều sinh trưởng rất tốt, đến cả núi Hợp Hoan, nơi có độ cao 3.000 mét so với mực nước biển, khắp đồi núi đều có thể tìm thấy giống tre đặc chủng của Đài Loan là tre Yushan (Yushania niitakayamensis).
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp, Đài Loan có hơn 89 giống tre, trúc, trong đó có 25 giống nguyên sinh. Tài liệu của Bộ Nông nghiệp cũng cho thấy, các giống tre, trúc kinh tế quan trọng của Đài Loan bao gồm tre mai xanh, trúc sào, tre gai, tre Lục Trúc, tre nhánh dài (Bambusa dolichoclada) và trúc Makino (trúc quế, một giống đặc chủng của Đài Loan).
“Kẻ vứt rác bừa bãi ở trên núi chỉ có thể là lợn rừng, măng tre mới mọc ra là đã bị chúng ăn hết sạch”, ông Tăng Thông Nghiêu, chuyên viên nghiên cứu về tre, trúc tại Trung tâm thí nghiệm Lâm nghiệp Lien hua chih, Bộ Nông nghiệp, nói với chúng tôi khi nhìn thấy cảnh vỏ măng rơi vãi khắp nơi trong rừng tre mai xanh. Ông cho biết, lợn rừng cũng rất thích ăn măng, đôi khi cũng có khỉ đến để “đánh chén” một bữa măng no nê.
Tre Kunishi Đài Loan là giống tre thuộc chi Kunishi (Sinobambusa kunishii), chúng thường mọc um tùm dưới những tán cây khác, cũng giống như tre Yushan và tre Usawa (Pseudosasa Usawai), chúng đều là giống đặc chủng nguyên sinh của Đài Loan. Ông Tăng Thông Nghiêu nói, tre Yushan phân bố ở khu vực núi cao của dãy núi Trung ương, còn tre Kunishi và Usawa thì phân bố ở những vùng có độ cao vừa và thấp hơn.
Tre Kunishi có thân cây mảnh mai nhưng vững chắc, trước đây thường được người dân tộc nguyên trú dùng để làm mũi tên khi săn bắn, cho nên còn được gọi là “tre tên”, măng của loài tre này có thể dùng làm thực phẩm. Còn tre Usawa thì sinh trưởng ở khu vực núi Dương Minh, do chúng phân bố tập trung ở trong khu bảo tồn nên Văn phòng Quản lý Công viên Quốc gia núi Dương Minh còn đặc biệt vạch ra quy định dành riêng cho việc thu hoạch măng tại đây.
Ông Tăng Thông Nghiêu nói, tre mọc từ 3-4 năm là xem như đã trưởng thành và có thể thu hoạch để sử dụng, còn tre từ 4 năm trở lên thì thuộc hàng tre già, trong ngành kinh doanh tre, trúc có câu: “Giữ ba, thu hoạch bốn, bỏ bảy” (có nghĩa là tre chỉ mới mọc được 3 năm thì giữ lại, còn tre đã mọc được 4 năm trở lên thì có thể thu hoạch để sử dụng, còn tre trên 7 năm thì đã già, chất lượng kém, phải đốn bỏ đi). Người trồng tre, trúc sẽ định kỳ tỉa bớt, chặt bỏ cây khô và cây già để duy trì sức sống của cánh rừng tre, trúc.
Trước những năm 1980, ngành tre, trúc Đài Loan phát triển khá mạnh, nhưng cùng với sự xuất hiện của vật liệu nhựa, thị trường tre, trúc bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, văn hóa tre, trúc vẫn phát triển rất tốt và giá trị kinh tế mà măng tre mang lại vẫn rất cao.
Nông dân trồng măng Châu Lương Phú cho biết, mùa hè là mùa thu hoạch măng tre Lục Trúc, vị măng thanh ngọt như quả lê.
Tre, trúc có nhiều ứng dụng khác nhau, tre trưởng thành có thể được gia công làm thành sản phẩm mỹ nghệ, măng non thì chế biến thành món ăn ngon. (Trong ảnh là món măng khô kho thịt)
Măng quế kho rau cải muối
Măng luồng Thái Lan xào mộc nhĩ
Salad măng trộn sốt mayonaise
Văn hóa măng tre
Măng tre là thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, calo thấp và nhiều dinh dưỡng, là một món ngon thường thấy trên bàn ăn. Sau tiết Xuân phân, mưa xuân giăng lối, những búp măng mọc lên khắp nơi đúng như câu thành ngữ “Măng mọc sau mưa”. Trước và sau tiết Thanh minh có măng Kunishi, rồi măng quế (Makino), măng tre Lục Trúc, măng tre Lục Trúc vỏ xám, măng tre mai xanh, măng luồng Thái Lan, sau tháng Mười âm lịch là mùa măng Mạnh Tông (trúc sào, hay còn được gọi là “măng mùa Đông”).
Ông Lữ Cẩm Minh nói, “Tất cả các loài măng đều có thể ăn được nhưng phải xem cách chế biến như thế nào”. Măng có thể đem đi ngâm trong nước khoảng nửa ngày rồi phơi khô cho ráo nước, sau đó cho vào túi và giữ lạnh, khi lấy ra chế biến thì có thể xào với thịt thái sợi hoặc nấu canh đều rất ngon.
Người Đài Loan rất giỏi chế biến món ăn, vì thế “văn hóa măng tre” cũng vô cùng phong phú. Bếp trưởng nhà ăn nhân viên của Trung tâm Lienhuachih đã dùng các loại măng khác nhau để chế biến ra nhiều món ăn từ măng như măng tre Lục Trúc cắt hạt lựu rồi bày ra đĩa như một món nguội, măng tre mai xanh thì nấu thành canh măng sườn, món măng hầm với rau cải muối thường thấy ở các hàng quán nhỏ ven đường hay quán bán cơm phần với thịt kho, măng luồng Thái Lan được du nhập vào Đài Loan trong những năm gần đây thì được xào với mộc nhĩ, thịt thái sợi. Ngoài ra đầu bếp còn mang ra món măng khô kho với thịt thường thấy trong các bữa ăn ngày Tết hay bàn tiệc tại Đài Loan, và có cả món măng ngâm tương chiên trứng nổi tiếng của thị trấn Trúc Sơn.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, ông Lý Tinh Thần (Li Xing-chen), thế hệ thứ hai của nông trồng măng đã phát triển kỹ thuật gia công chân không mà không cần dùng đến chất bảo quản, giúp đóng gói măng và tiếp thị đến thị trường người Hoa ở các nước như Mỹ, Canada…
Vào mùa đông, măng có sản lượng thấp nên măng mùa đông cũng là loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại măng. Tại Đài Loan, những khu vực sản xuất măng mùa đông nổi tiếng bao gồm thị trấn Trúc Sơn và xã Lộc Cốc của huyện Nam Đầu cũng là một trong số ít những địa phương tổ chức chợ măng. Chợ măng tại xã Lộc Cốc là nơi chuyên kinh doanh măng mùa đông, có thể thấy măng mùa đông là sản phẩm rất được ưa chuộng tại Đài Loan.
Thị trấn Trúc Sơn là địa phương sản xuất tre, trúc trọng điểm của Đài Loan, vào dịp Tết, trên bàn ăn của các gia đình thường xuất hiện những món sơn hào hải vị, nhưng đối với người Trúc Sơn mà nói, “sơn trân” của họ chính là món măng mùa đông. Ông Lý Dụ Nhân người Trúc Sơn, là nghiên cứu viên về tận dụng tài nguyên rừng thuộc Phòng thí nghiệm Lâm nghiệp chia sẻ, “Người Trúc Sơn ăn Tết mà không có món măng mùa đông hầm và măng xào mực tỏi thì không phải là Tết”.
Ngoài ra, người Trúc Sơn còn có một món “gia truyền” là măng ngâm tương. Họ cắt măng tre mai xanh thành hình hạt lựu, rồi ướp với muối, bã đậu nành, cam thảo, khi ăn, bạn sẽ hoàn toàn không cảm nhận được sợi xơ của măng, là một món rất thích hợp để ăn với cơm.
Ông Lâm Dụ Nhân, một người nghiên cứu sâu về tre, trúc.
Giỏ đan tre.
Ứng dụng mới và sáng tạo cho tre, trúc
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng của tre, trúc cũng dần dần được hiện đại hóa. Trong phòng làm việc của mình, ông Lâm Dụ Nhân đã trưng bày cho chúng tôi xem nào là giỏ đan tre, đồ chơi bằng tre, than tre, năng lượng sinh học bằng hạt tre…Chúng giống như một cỗ máy thời gian, giúp ta nhìn thấy được cuộc đời của tre, trúc.
Ông Lâm Dụ Nhân nói, trúc quế của Đài Loan có đặc tính bền, khó bị đứt gãy, là vật liệu dùng làm kiếm tre mà người Nhật ưa dùng, còn than tre được sản xuất bằng cách đốt ở nhiệt độ cao thì có khả năng làm sạch không khí.
Những năm gần đây, thế giới rất chú trọng đến vấn đề giảm lượng phát thải carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng tre, trúc. Ông Lâm Dụ Nhân nói, so với việc trồng cây gây rừng cần khoảng 20 năm, trồng tre, trúc chỉ cần khoảng 3-5 năm là đã có thể thu hoạch để làm vật liệu, khả năng cô lập carbon cao hơn gấp 3-4 lần so với cây thân gỗ. Đây được xem là tài nguyên tái sinh có tiềm năng thu giữ carbon nhất, chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh rừng tre, trúc, ngành tre, trúc cũng nhờ vậy mà trở nên sôi động hơn, tạo thành một vòng tuần hoàn lành mạnh cho ngành trồng rừng và sản xuất.
“Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy việc sử dụng tre, trúc, còn phải dựa vào ngành xây dựng kiến trúc bằng loại vật liệu này”, ông Lâm Dụ Nhân nói.
Sau khi được gia công, giá trị kinh tế của tre, trúc tăng cao, những miếng than tre được tạo ra bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao được sử dụng nhiều trong cuộc sống thường ngày.
Từ tre, trúc, đến kiến trúc bằng tre, trúc
Tại Đài Loan, hai kiến trúc sư Cam Minh Nguyên (Peter Kan) và Lý Lục Chi (Li Lu-chih) là những người đi đầu trong việc thực tiễn hiện đại hóa kiến trúc bằng tre, trúc. Năm 2011, ông Cam Minh Nguyên và bà Lý Lục Chi bắt đầu tập trung nghiên cứu kiến trúc bằng tre, trúc, “Đài Loan thường xảy ra bão và động đất, vì thế nên việc quan trọng nhất trong xây dựng kiến trúc chính là tính an toàn, có rất nhiều việc cần phải cân nhắc, suy xét”. Họ đã cùng với những người yêu thích tre, trúc thành lập “Hội Trúc Đài Loan” để quảng bá tài nguyên tre, trúc và hợp tác với các chuyên gia trong giới học thuật, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tại Đài Loan để nghiên cứu ứng dụng của tre, trúc, tìm ra phương pháp giải quyết cho những vấn đề như chống mốc, chống sâu mọt, chống nứt gãy và độ bền.
Để giúp cho vật liệu tre, trúc có thể tạo thành những hình dạng khác nhau, “uốn cong” chính là kỹ thuật cốt lõi cần thiết trong quá trình hiện đại hóa kiến trúc bằng tre, trúc. Nhóm của ông Cam Minh Nguyên đã nghiên cứu cách tạo mối nối bằng cách buộc, lắp, gộp, bắc cầu..., để đưa những vật liệu này vào sử dụng trong các kiến trúc cỡ lớn. Họ còn tập hợp những kiến thức về vật liệu tre, trúc và mối nối để xuất bản sách, chia sẻ khái niệm về tận dụng tài nguyên thiên nhiên.
Những kiến trúc bằng tre, trúc điển hình như Sân khấu CJCU của Đại học Trường Vinh (Chang Jung Christian University) và Đình Xianzhu – tác phẩm nghệ thuật trong công viên rừng Danan, thành phố Đào Viên, nơi có mái nhà được đan bằng tre và được bảo vệ bởi vỏ bọc kim loại bên ngoài, đều là những kiến trúc mà người dân có thể thoải mái hoạt động ở không gian bên trong. Chúng cũng là nơi để kết nối giữa con người với tre, trúc, giữa con người với thiên nhiên.
Ông Cam Minh Nguyên nói, “Khác với những căn nhà được làm bằng gỗ, nhà được làm bằng tre, trúc đều mang chút ‘hoang dã’”. Mặc dù vật liệu tre, trúc cần phải được bảo dưỡng thường xuyên nhưng những vật liệu thiên nhiên như vậy lại có thể mang lại cho con người ta cảm giác vui tươi, rất đáng giá!
Vật liệu tre, trúc mộc mạc, biến ước mơ “quay về với thiên nhiên” trở thành hiện thực. Trên con đường tạo dựng môi trường bền vững, cuộc sống gắn liền với tre, trúc là lối sống có khả năng vô hạn.
Kiến trúc bằng tre, trúc không chỉ đẹp, mà còn là kiến trúc bền vững với môi trường.