Những trải nghiệm đầu của thời hiện đại
Gặp lại cửa hàng bách hóa Đài Loan năm 1930
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 2 2025
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Vào những năm 1930, Đài Loan bước vào thời kỳ xã hội tiêu dùng hiện đại, khi đó các cửa hàng bách hóa quy mô lớn chưa từng có với đủ các loại hàng hóa lần lượt xuất hiện. Mặc dù cùng với sự chuyển biến của thời đại, những cửa hàng bách hóa trước kia đã đóng cửa, nhưng khi không gian cũ được hồi sinh và mở cửa trở lại sẽ gợi lên cho mọi người sự tưởng tượng như thế nào?
Tác phẩm truyện tranh “Bắc thành bách họa thiệp” được sáng tác bởi Akru, họa sĩ truyện tranh người Đài Loan. Câu chuyện diễn ra vào những năm 1930 tại khu Sakaechō, nơi được gọi là “Đài Bắc Ginza”, khu phố có những quán cà phê mang văn hóa Jokyuu (người hầu bàn gái), cửa hàng bách hóa đầu tiên của Đài Loan với tên gọi “Cửa hàng bách hóa Kikumoto” đã được khai trương tại khu Sakaechō vào năm 1932 và đến năm 1935, nơi này tổ chức “Hội chợ Đài Loan kỷ niệm 40 năm cầm quyền”, thời điểm đó nhiều sự kiện lớn diễn ra khắp nơi đều được thể hiện sống động trên các mặt báo.

Cửa hàng bách hóa Kikimoto năm xưa được mệnh danh là “Seven Heavens” (Thiên đường thứ bảy), là cửa hàng bách hóa đầu tiên ở Đài Loan. (Tranh vẽ bởi họa sĩ Trịnh Bồi Triết)
Người đẹp ngủ sau rèm kính: Cửa hàng bách hóa Kikumoto
Khu Sakaechō được mô tả trong câu chuyện là khu vực đường Hằng Dương (Hengyang), đường Bảo Khánh (Baoqing), phố Tú Sơn (Xiushan), đường Bác Ái (Boai) và đường Diên Bình Nam (Yanpingbei) ngày nay. Đến tận bây giờ, trên khu phố vẫn còn giữ lại những tòa nhà cổ được xây dựng từ xưa.
Trong đó có một điều đặc biệt đáng tiếc, kiến trúc của Cửa hàng bách hóa Kikumoto gồm bảy tầng, lúc bấy giờ tòa nhà được mệnh danh là “Seven Heavens” (Thiên đường thứ bảy). Cửa hàng bách hóa Kikumoto là một trong những tòa kiến trúc được xây dựng bằng bê tông cốt thép sớm nhất ở Đài Loan, xây dựng vào năm 1932, tuy trải qua nhiều trận động đất nhưng vẫn đứng vững cho đến ngày nay. Tòa nhà cổ cũng được chỉ định là công trình lịch sử vào năm 2017 nhưng vì trải qua khá nhiều đời chủ sở hữu, lại thường xuyên được cải tạo, làm mới mặt dựng, cho nên diện mạo ban đầu của tòa nhà dần dần bị che khuất bởi rèm kính và các vật liệu xây dựng khác. Học giả kiến trúc Quách Triệu Lập (Guo Zhao-li) đặt tên cho tòa nhà là “Người đẹp ngủ trong quan tài thủy tinh”.
Làm việc trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, thông thạo về các giai thoại lịch sử, ông Lăng Tông Khôi giải thích cho chúng tôi về lịch sử phát triển của ngành cửa hàng bách hóa: Hành trình phát triển mở đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, các sản phẩm được sản xuất nhanh chóng và đa dạng với số lượng lớn, từ đó làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, người giàu bắt đầu theo đuổi cách tiêu dùng mới. Thời bấy giờ, để giới thiệu nhiều sản phẩm mới lạ, các nước thậm chí còn lần lượt tổ chức các chương trình hội chợ quy mô lớn.
Vào những năm 1930, thời kỳ Nhật Bản đô hộ Đài Loan, cùng với nhịp bước phát triển, các cửa hàng bách hóa kiểu Tây chuyên bán hàng nhập khẩu bắt đầu xuất hiện trên khắp Đài Loan, khi diện tích và quầy đạt đến một quy mô nhất định thì được gọi là cửa hàng bách hóa. Vào thời điểm đó, ba cửa hàng bách hóa nổi tiếng nhất được biết đến là Cửa hàng bách hóa Kikumoto ở Đài Bắc, Cửa hàng bách hóa Hayashi ở Đài Nam và Cửa hàng bách hóa Yoshii ở Cao Hùng (ngày nay đã dỡ bỏ).
Các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng bách hóa ở Nhật Bản đa số đều khởi nghiệp từ ngành thời trang, lúc đó tình hình ở Đài Loan cũng tương tự. Ông Eiji Shigeta, một doanh nhân kinh doanh cửa hàng bán trang phục Gofu (trang phục truyền thống của Nhật Bản), đến từ tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản, đã thành lập thương hiệu Kikumoto ở Đại Đạo Trình (Dadaocheng). Sau khi làm ăn thành công, ông đã mua lại cửa tiệm ở khu Sakaechō và thành lập cửa hàng bách hóa Kikumoto, “cửa hàng bách hóa đầu tiên của Đài Loan”.
Cửa hàng bách hóa Kikumoto được thiết kế bởi Chouichi Furukawa, một kỹ sư xây dựng người Nhật và là Trưởng bộ phận Kiến trúc của Công ty cổ phần đất đai và công trình kiến trúc Đài Loan. Do cân nhắc điều kiện khí hậu Đài Loan nắng và mưa nhiều, tòa nhà được thiết kế với mái hiên rộng đủ để che nắng che mưa. Ông Lăng Tông Khôi, người từng có dịp vào bên trong tìm hiểu tòa nhà, chia sẻ, từ tầng 5 đến tầng 7 của tòa nhà vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu với các tầng cao xếp chồng càng cao càng thu nhỏ. Thiết kế này dựa trên pháp lệnh quy hoạch đô thị được thành phố New York ban hành vào năm 1916 nhằm tăng thêm nguồn ánh sáng tự nhiên cho phố xá và giảm cảm giác ngột ngạt đè nặng do nhà cao tầng mang lại, nên ra quy định tầng cao của tòa nhà bắt buộc phải thu nhỏ lùi dần vào trong.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Ngay cả khi người Nhật rời đi, tòa nhà cao lớn đó vẫn tiếp tục sứ mệnh của một cửa hàng bách hóa. Ảnh chụp năm 1971, địa chỉ cũ của cửa hàng bách hóa Kikumoto nằm ở phía trước bên trái bức ảnh, khi đó đã được đổi tên thành “Cửa hàng bách hóa Nam Dương” và tiếp tục hoạt động. (Ảnh tư liệu của Bộ Ngoại giao)
Ý tưởng ngộ nghĩnh giữa hình tròn và hình vuông: OR House
Gần đây, những bức ảnh chụp diện mạo cũ của cửa hàng bách hóa Kikumoto đã được in ra và dán lên mặt kính tòa nhà, nghe nói có khả năng tòa nhà sẽ được cải tạo quy mô lớn để trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây. Vẻ đẹp của những tòa nhà cổ quả thực rất đáng để mong đợi, OR House-tòa kiến trúc nằm trên khu phố cổ ở Tân Trúc, đã hoạt động trở lại vào cuối năm 2023, chính là một ví dụ điển hình.
Tòa kiến trúc Shinshūya được thêm tên “Or”, trước đây là cửa hàng bách hóa đầu tiên ở Tân Trúc, khai trương vào năm 1934. Chủ sở hữu đầu tiên là ông Đới Ngô Sư (Dai Wu-shi), một doanh nhân nổi tiếng khởi nghiệp thành công từ ngành bán hàng nhập khẩu ở chợ Đông Môn (Dongmen).
Chủ sở hữu hiện tại của ngôi nhà cổ này là đội ngũ “OR”, chuyên triển khai kế hoạch “bảo tàng mỹ thuật kiểu phân tán” ở Tân Trúc trong nhiều năm.
Người đại diện quản lý của OR House (tên mới của tòa nhà Shinshūya) - chị Thẩm Đình Như (Shen Ting-ru) thoải mái chia sẻ: Để giữ lại tối đa diện mạo huy hoàng thời xưa của ngôi nhà cổ, trước tiên, nhóm tiến hành phỏng vấn những người từng sở hữu ngôi nhà trước đó. Bước tiếp theo là mời đội ngũ “X-Basic Planning” đến để đánh giá tình trạng kiến trúc và tu sửa phục hồi lại tòa nhà, đồng thời mời hai nhóm thiết kế “II Design” và “Mizuiro Design” triển khai thiết kế không gian. Phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức như vậy là để mang lại sự đan xen hài hòa, tinh tế giữa cái cũ và cái mới.
Chúng tôi cùng chị Thẩm Đình Như chậm rãi bước ra ngoài ngôi nhà, mặt trước của tòa nhà bốn tầng nhấn mạnh việc “tu bổ lại toàn bộ”, dùng gạch nung 13 rãnh vốn rất thịnh hành sau những năm 1920. Sau khi rửa sạch, gạch sẽ hiện lên sắc vàng nhạt ấm áp, phía trên là khung cửa sổ hình vuông và tròn được sắp xếp xen kẽ so le ngẫu hứng, cột đèn và lan can mang phong cách “Art Deco” (nghệ thuật trang trí), trong phong cách cổ điển ẩn hiện nét đẹp thời thượng. Nhìn chung, ngôi nhà đã “thể hiện những ý tưởng ngộ nghĩnh lạ kỳ của người thời đó”, chị Thẩm Đình Như nói.
Khi bước vào bên trong, với thiết kế từng vách ngăn khác nhau, được sắp xếp một cách tự do phóng khoáng, tạo sự liên kết với bức tường bên ngoài. Kiểu trang trí mới có chủ ý sử dụng hình vuông và hình tròn làm mã hiệu thiết kế tạo sự tương tác với khung cảnh cửa sổ. Quầy bar dài ở tầng 1 có mặt ngoài hình tròn, mặt trong hình vuông. Lên tầng 2 có bức tường màu xám mới với lỗ tròn cố tình được khoét rỗng để có thể nhìn thấy bức tường gạch cũ đỏ thẫm phía sau. Tầng 3 vẫn giữ lại mái vòm tròn trong nhà và hồ bán nguyệt trên ban công ngoài trời từ thời xưa, v.v...
Khi lên đến tầng thượng, chúng ta có thể tưởng tượng vào thời đó tòa nhà OR House đã nổi bật như thế nào giữa những căn nhà một tầng, từ tầng thượng có thể nhìn thấy tận cảng cá Nam Liêu (Nanliao) cách rất xa. Chị Thẩm Đình Như chia sẻ, con cháu của gia đình họ Đới sau này trở về nhà cũ kể rằng, khi còn nhỏ họ từng chơi xích đu cạnh hồ bán nguyệt có nuôi cá bên trong. Họ từng tổ chức tiệc khiêu vũ trên tầng thượng và mở cửa bán vé, thu hút hơn 200 người tham gia. Thời bấy giờ, những gia đình giàu có ở Đài Loan đã từng trải qua thời kỳ hưng thịnh và giàu sang đến vậy!
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Gần đây, những bức ảnh cũ được in ra và lặng lẽ dán sau khung kính mặt dựng của cửa hàng bách hóa Kikumoto, dự báo khả năng khôi phục lại diện mạo tòa nhà cũ trở lại thời huy hoàng trước đây.
Để thế giới nhìn thấy cánh cửa sổ của Đài Nam: Cửa hàng bách hóa Hayashi
Cửa hàng bách hóa Hayashi được thành lập vào năm 1934, tọa lạc tại Suehirochō, khu thịnh vượng nhất thành phố Đài Nam lúc bấy giờ. Vì là một trong số ít tòa nhà cao tầng nên được gọi là “Tòa nhà 5 tầng”, thời đó Cửa hàng bách hóa Hayashi đủ hoành tráng để mang ra so sánh với cửa hàng bách hóa Kikumoto và là một trong hai cửa hàng bách hóa tại Đài Loan có lắp đặt thang máy. Mặc dù sau chiến tranh, thời kỳ Nhật Bản đô hộ Đài Loan chấm dứt, người Nhật lần lượt rời đi, Cửa hàng bách hóa Hayashi cũng tuyên bố đóng cửa. Không gian rộng lớn của tòa nhà bị chính phủ trưng thu, từng được sử dụng làm văn phòng cho đơn vị nhà nước, ký túc xá của lực lượng không quân, v.v... nhưng cuối cùng đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ. Mãi đến năm 1998, ngôi nhà cổ mới được công nhận là di tích lịch sử thành phố Đài Nam, sau khi được cải tạo tu sửa quy mô lớn, vào năm 2014, Công ty hữu hạn cổ phần Koche (KOCHE DEVELOPMENT CO., LTD) đã được ủy thác kinh doanh bách hóa Hayashi theo mô hình cửa hàng văn hóa sáng tạo
Hiện tại, Hayashi là cửa hàng bách hóa “lâu đời nhất” và có “diện tích nhỏ nhất” ở Đài Loan. Cửa hàng bách hóa Hayashi theo phong cách khu phức hợp kiến trúc lịch sử khá khác biệt so với cách vận hành của các tập đoàn chuỗi bách hóa lớn khác. Vào thời điểm đó, thang máy được xem là biểu tượng thời thượng, bao gồm cả hệ thống đếm tầng dạng kim và cửa sổ thoáng khí trong trục thang máy đều được giữ lại. Ngoài ra, ngôi đền Nhật Bản duy nhất ở Đài Loan nằm trên tầng thượng tòa nhà và cánh cửa cuốn sắt phải quay bằng tay thời xưa đều là những chi tiết mang đặc điểm lịch sử.
Điều khác biệt so với trước đây là cửa hàng bách hóa Hayashi trước đó chuyên bán các sản phẩm nhập khẩu mới lạ, còn cửa hàng bách hóa Hayashi ngày nay đã trở thành nơi trưng bày văn hóa và công nghiệp của Đài Nam. Ví dụ, tầng 3 được đặc biệt trang trí bằng lụa sa tin họa tiết hoa phượng do thương hiệu Minglin Lace, một thương hiệu lâu năm ở Đài Nam sản xuất. Ngoài ra, trên các kệ hàng còn trưng bày số lượng lớn các sản phẩm đặc trưng của Đài Nam như: túi ba sọc đậm chất Đài Loan, túi vải in hình trứng cá đối (mullet roes) và túi vải in họa tiết dép xốp trắng quai xanh (blue-and-white flip-flops), được sản xuất bởi thương hiệu túi vải Gimgoanheng có tuổi đời hàng thế kỷ. Bên trong cửa hàng bày bán đủ các loại sản phẩm, rất phong phú, không thiếu thứ gì.
“Ngày xưa, cửa hàng bách hóa Hayashi là cánh cửa sổ để người Đài Nam nhìn ra thế giới, sau khi được hồi sinh, nơi đây sẽ là cánh cửa sổ để thế giới nhìn thấy Đài Nam”, cô Thái Vĩ Dung, trưởng phòng kế hoạch tiếp thị của Cửa hàng bách hóa Hayashi nói với chúng tôi. Điều này cũng giải thích lý do tại sao khách du lịch nước ngoài sẽ không thể bỏ qua Cửa hàng bách hóa Hayashi khi đến Đài Nam.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Người đại diện quản lý của OR House - chị Thẩm Đình Như.
Nơi lưu giữ ký ức cuộc sống người dân
Các cửa hàng bách hóa là nơi hướng tới một xã hội tiêu dùng hiện đại, đồng thời cũng là một nút thắt ghi nhớ quan trọng trong cuộc sống người dân. Những cửa hàng bách hóa ở Đài Loan vào thập niên 1930 đều nằm trong các khu phố phồn hoa nhất lúc bấy giờ, tọa lạc ở ngã tư, phần mặt tiền thường được đặc biệt thiết kế với các điểm nhấn thị giác. Bên cạnh đó, những chiếc tủ trưng bày bằng kính luôn được trang trí lộng lẫy, thu hút ánh nhìn, một thủ thuật tâm lý kích thích khát vọng mua sắm. Khi bước vào bên trong bách hóa, ngoài việc mua sắm, người ta cũng thường nhớ đến cảm giác phấn khích khi đi thang máy lên tầng thượng để ngắm cảnh, hoặc dùng bữa ở nhà hàng trên tầng cao, những điều từng làm thời đó cho tới nay vẫn có nét tương đồng.
Mặc dù cùng với sự thay đổi của thời đại lịch sử sau chiến tranh, những ký ức không gian đa phần đã bị đứt gãy nhưng điều này cũng giải thích tại sao những cửa hàng bách hóa tượng trưng cho bước tiến của Đài Loan hướng tới một xã hội tiêu dùng hiện đại lại đáng được lưu giữ, bảo tồn. Ngoài việc giữ lại kỹ thuật kiến trúc và phong cách đặc trưng của thời đại, đây còn là một nơi quan trọng để người dân thành phố đến mua sắm, thư giãn và giao lưu. Như ông Lăng Tông Khôi, người luôn tích cực quan tâm đến sự phát triển của cửa hàng bách hóa Kikumoto đã từng nói: “Có quá nhiều cơ hội để xây dựng một cửa hàng bách hóa mới nhưng để giữ lại một cửa hàng có bề dày lịch sử là cơ hội hiếm có. Chúng ta chỉ còn lại ba cửa hàng mà thôi, và đây là cửa hàng đầu tiên, chẳng phải rất có ý nghĩa sao?” Điều khiến chúng xứng đáng tồn tại chỉ đơn giản là một “nơi mang theo và cất giữ” cho những kỷ niệm và lịch sử của tất cả những ai đã từng sống ở đây.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Nhấn mạnh việc “tu bổ lại toàn bộ” mặt trước của ngôi nhà, phía trên là các khung cửa sổ hình vuông và hình tròn sắp xếp so le, cột đèn và lan can đều là ý tưởng từ thiết kế cũ.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
OR House với điểm nhấn mặt tiền “đi vào bên phải, đi ra bên trái”, mang lại bầu không khí thời thượng và mới mẻ.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Cố gắng tìm ra tiếng nói chung giữa yếu tố cũ và mới cho cửa hàng bách hóa Hayashi. Bên trong cửa hàng vẫn có thể thấy những viên gạch lát sàn đá mài từ thời mới xây dựng (góc dưới bên trái), được ghép chung và hài hòa với sàn nhà mới sau này.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Cửa hàng bách hóa Hayashi được hồi sinh, mang lại cho cư dân địa phương một nơi để họ lưu giữ những kỷ niệm của mình.
(Ảnh: Công ty hữu hạn cổ phần Koche _Cửa hàng bách hóa Hayashi)
-new.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)