Thắm tình nồng ấm vai kề vai
Hương vị hoài cổ ẩn mình trong hẻm nhỏ
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 2 2025
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Món ăn kỳ công, cửa hàng nhỏ xinh, tình người ấm áp chính là lý do được kẻ gần người xa tới ủng hộ. (Ảnh: Tiệm xôi Nuo Fu cung cấp)
Tại những khu vực đô thị có cấu trúc nhà ở dân cư xen lẫn các địa điểm kinh doanh thương mại và công sở, sẽ có những điều thú vị như “ngọa hổ tàng long”, ẩn náu trong những con hẻm. Dạo bước trên những con phố ở Đài Loan, bạn có thể sẽ gặp được những bất ngờ bất cứ lúc nào. Chủ các cửa tiệm kinh doanh nhỏ với phong cách sống vừa thẳng thắn lại rất giàu sáng tạo, cộng thêm những mặt hàng độc đáo, sự giao lưu nhiệt tình và cởi mở, tràn đầy năng lượng như vậy chính là sự thể hiện nét đẹp cuộc sống của Đài Loan.
Vì tiệm nhỏ, có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, chú trọng đến từng chi tiết nhỏ. Cũng chính vì là tiệm nhỏ nên sẽ tạo cơ hội cho khách hàng và chủ tiệm giao lưu ở khoảng cách gần nhau hơn, thấm đượm tình người nồng ấm. Những cửa tiệm nhỏ xinh này dường như đã mở ra khung cửa tuyệt vời để giúp mọi người hiểu rõ Đài Loan hơn.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Đong đầy kỷ niệm tươi đẹp từ những chi tiết nhỏ
Ông Cao Chấn Ngự (Zoc Kao), người xứng danh là nhân vật đình đám trong giới cà phê của Đài Loan, từng mở nhiều quán cà phê nổi tiếng ở Đài Bắc. Tháng 9 năm nay, ông đã ngừng kinh doanh quán cà phê tại Công viên Văn hóa và Sáng tạo Tùng Sơn (the Songshan Cultural and Creative Park), đem thương hiệu cà phê của mình đến khu vực Đại Đạo Trình (Dadaocheng), mở lại trong một con hẻm nhỏ và đặt tên là “Hoa thuốc lá《Op.118.2》 ” (Tobacco Flowers Op.118.2).
Vào nghề hơn 20 năm, với thâm niên trong ngành ẩm thực khá gây ấn tượng, ông từng là người quản lý lui về phía sau hậu trường, nhưng sau một chặng đường dài cuối cùng vẫn quay về trước quầy bar. Ông Cao Chấn Ngự cho biết: “Tôi vẫn thích cảm giác được giao lưu với mọi người”.
Những năm gần đây, các tiệm do ông mở diện tích ngày càng nhỏ đi, ông cũng từng kinh doanh tiệm cà phê “Cùng nhau cô đơn /Alone Together” với diện tích chỉ khoảng 5 mét vuông, được cho là “quán cà phê nhỏ nhất Đài Loan”, là không gian mang tính thử nghiệm. Quán cà phê này đã thu hút nhiều du khách Hồng Kông tới “hành hương” vì họ muốn tận mắt chiêm ngưỡng một tác phẩm sáng tạo được ra đời trong bối cảnh đất chật người đông giống như Hồng Kông.
Khuôn viên tiệm cà phê “Hoa thuốc lá” cũng không lớn, với không gian trong nhà chỉ rộng khoảng 26 mét vuông. Ông Cao Chấn Ngự là người vốn coi trọng từng chi tiết nhỏ, không những thiết kế các loại đồ uống vừa tinh giản vừa chính xác, mà còn đầu tư nhiều tâm huyết vào việc sắp đặt chỗ ngồi, trang trí nội thất, bày biện và tạo bầu không khí. Ông cho rằng: “Ký ức về vị giác của con người thường khá ngắn ngủi nhưng nhờ kết hợp với vô số những chi tiết nhỏ sẽ tạo ra nhiều ký ức tốt đẹp cho khách hàng và giúp họ lưu giữ lâu hơn”.
Với đôi mắt tinh tường và độc đáo trong việc lựa chọn đồ đạc, ông đặc biệt chọn dùng cốc của nghệ nhân làm gốm Yoshiaki Imamura tại tỉnh Okinawa (Nhật Bản), chiếc đèn bàn cổ điển của xưởng “Hỏa Kim Cô” trên đường Vĩnh Khang (Yong-kang) do ông Dương Côn Kim chế tác, ngoài ra còn có chiếc bàn thấp, chiếc ghế của nhà thờ cổ mang phong cách Bắc Âu và cả một bức tường đĩa than, trên đó còn lưu giữ những dấu tích của thời gian, những thứ vật dụng mờ ảo, cộng với âm nhạc vọng ra từ chiếc loa cổ của thập kỷ 60, kết hợp một cốc cà phê đen rang đậm, tự nhiên làm toát lên nét đẹp rất cổ điển, rất hợp với bầu không khí đậm nét lịch sử của khu vực Đại Đạo Trình.
Trong bầu không khí tự tại thoải mái như vậy, khách hàng ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế băng dài, cho dù không quen biết cũng có thể bắt chuyện với nhau một cách rất tự nhiên, bầu không khí đầy ấm cúng này chính là nét độc đáo khiến quán cà phê “Hoa thuốc lá” thu hút nhiều người nườm nượp ghé thăm.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Mọi chi tiết trong quán cà phê “Hoa thuốc lá” đều rất kỳ công và có nguồn gốc rõ ràng. Do thương hiệu từng đại diện Đài Loan tới Okinawa dự cuộc giao lưu của ngành cà phê, để vun đắp tình hữu nghị Đài Loan-Nhật Bản, ông Cao Chấn Ngự đặc biệt sử dụng những chiếc cốc do nghệ nhân làm gốm ở Okinawa sản xuất, đồng thời bày bán một số ít sản phẩm nghệ thuật của Okinawa.
Khi hoa nở rộ, bướm sẽ tự tìm đến
Đài Nam được nhà văn lão thành của nền văn học Đài Loan Diệp Thạch Đào (Yeh Shih-tao) mệnh danh là nơi “thích hợp để người ta mơ mộng, làm việc, yêu đương, kết hôn và sống ung dung tự tại”, trong đó nổi bật nhất chính là nội hàm văn hóa được tích lũy từ lịch sử lâu đời, cũng như phong cách sống rất khoan thai.
Tuy nhiên, cho dù là những cửa tiệm hàng trăm năm tuổi hay những cửa tiệm mới ra đời sau này, tư duy “hữu sở vi, hữu sở bất vi” (người quân tử biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm) là điểm chung không phân biệt thế hệ. Như tiệm bán canh thịt bò chỉ phục vụ lúc sáng sớm; quán cà phê mở cửa vào lúc 8 giờ hoặc 9 giờ sáng, nhưng sẽ đóng cửa vào đúng 6 giờ chiều v.v... không phải là không thể kiếm nhiều tiền hơn, mà là hiểu được ý nghĩa biết đủ sẽ yên vui và coi trọng việc nâng cao chất lượng sống. Những điều này rất hiếm thấy ở các nơi khác nhưng lại là mô hình kinh doanh phổ biến ở Đài Nam, làm nổi bật nét độc đáo của thành phố này. Nếu dùng một câu đơn giản nhất để miêu tả Đài Nam thì chắc chắn sẽ là câu nói: “Khi hoa nở rộ, bướm sẽ tự tìm đến”.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Phong cảnh ngày xưa trở thành đời sống thường nhật
Chủ quán Giản Minh Ân (Rafal Chien) đứng trước cửa quán ăn “Thập Bình” của mình nói rằng: “Thay vì hối hả chạy theo danh lợi, người Đài Nam đã dạy tôi biết được rằng: ‘Đủ dùng là được’ ”.
Với mái tóc dài và hình xăm trên cánh tay, thật khó tưởng tượng được rằng ông Giản Minh Ân vốn sinh ra và lớn lên tại Đài Bắc, từng làm môi giới bất động sản hơn 10 năm. Lần đầu ông đặt chân lên mảnh đất Đài Nam năm 38 tuổi, từ đó kết thành mối duyên bền chặt với mảnh đất này, “Chỉ trong một năm thôi, tôi đi thăm Đài Nam đến hai mươi mấy lần”.
Ông mạnh dạn đến thuê căn nhà cũ bỏ hoang nằm ở chếch ngôi nhà trọ homestay đã từng ở một lần khi đến Đài Nam du lịch và bắt đầu triển khai kế hoạch di cư. Hai năm sau, ông chính thức khai trương quán ăn “Thập Bình” chuyên bán món cơm thố Nhật Bản (Donburi), nằm trong con hẻm số 158, đoạn 2, đường Trung Nghĩa.
Việc đặt tên cho quán ăn là “Thập Bình” không có lý do nào khác, mà chính bởi ngôi nhà cũ có hình dáng khá dài này có diện tích vừa đúng 10 thước vuông Đài Loan (khoảng 33m2, thước vuông Đài Loan dịch theo âm Hán Việt là “bình”) với thiết kế thông tầng, trước kia là một xưởng sản xuất cao su quy mô gia đình, đã bị bỏ hoang gần 40 năm.
Mặc dù nhỏ xinh nhưng không gian bên trong tiệm xứng đáng được ca ngợi là “diện tích mini nhưng tiện nghi đầy đủ”. Ông cho ngăn không gian gác lửng thành 2 tầng, tầng trên là không gian đặt chậu rửa, khu nấu ăn và tủ đông lạnh, tầng dưới là khu vực để thớt và khu vực chỗ ngồi chỉ có vỏn vẹn 10 chỗ. Trong một không gian “phải né qua né lại để tránh va vào nhau” như vậy, từng có một đầu bếp tới đây xin việc thốt lên rằng: “Không thể tưởng tượng nổi, trong một không gian nhỏ như vậy mà có thể chế biến được một bữa ăn hoàn chỉnh”.
Với bầu không khí độc đáo và những món ăn tinh tế, chỉ 4 năm sau khi khai trương, quán ăn Thập Bình đã tạo được tiếng tăm tốt. Tuy nhiên, ông Giản Minh Ân lại không hy vọng Thập Bình là “quán ăn thu hút khách vãng lai chỉ đến một lần”, mà luôn mong mỏi được phục vụ những người dân địa phương, từ già trẻ lớn bé sống ở những con phố lân cận, cho tới các kỹ sư làm việc ở Khu công nghệ cao Đài Nam, thậm chí là chủ của những cửa tiệm lâu đời như chủ tiệm bánh kẹp Liên Đắc Đường, chủ cửa hàng bán vải bạt Hợp Thành, đều là những thượng khách của ông.
Vốn là người thích trò chuyện với khách hàng, ông cũng học hỏi từ những chủ tiệm lâu năm sự kiên định giữ vững nguyên tắc của người Đài Nam cũng như tinh thần chia sẻ rất khảng khái, cuộc sống không còn hối hả vội vã chỉ chăm chú vào lợi ích trước mắt. Thấm thía triết lý sống của họ một cách tự nhiên, ông không những sẵn sàng chia sẻ với khách hàng, ngoài công việc kinh doanh, ông còn rất coi trọng những lúc được ở bên cạnh người thân của mình.
“Điều đặc biệt vui mừng là những cảnh đẹp trong mắt tôi năm xưa, giờ đây đã trở thành cuộc sống thường ngày của tôi”. Đứng trước cửa quán ăn, ông Giản Minh Ân nói với vẻ đầy hứng khởi và thỏa mãn hơn bao giờ hết.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Quán ăn “Thập Bình” ra đời từ căn nhà bỏ hoang với diện tích khoảng 33m2, là điểm khởi đầu trong ước mơ di cư đến phía Nam của ông Giản Minh Ân.

Mặc dù món cơm thố Nhật Bản do quán “Thập Bình” cung cấp là phù hợp với nhu cầu của số đông nhưng từng chi tiết đều được chăm chút. Lấy gạo làm ví dụ, đầu bếp nhất định phải điều chỉnh nhẹ cách nấu tùy theo điều kiện thời tiết, nhiệt độ mỗi ngày.
Tái hiện hương vị xưa cũ
Đài Nam nổi tiếng với các món ăn vặt, trong đó có nhiều món đã được gìn giữ kế thừa qua hàng trăm năm như tào phớ, bánh đúc wa gui, mì trứng (danzaimian), đều được khởi nghiệp từ một chiếc đòn gánh, đi bán rong trên đường phố. Món xôi Nuo Fu cũng vậy, ngày xưa do người sáng lập Lưu Vũ Tiều (Chiao Liu) dùng chiếc xe đạp của ông nội mình, chở theo hai bên hai thùng cơm nếp sụn heo, khởi đầu từ sạp buôn bán nhỏ ở ven đường. Sau khi “rong ruổi” khắp các con hẻm lớn nhỏ khoảng ba, bốn năm cũng bắt đầu có một chút tiếng tăm, thường xuyên thấy cảnh dọn hàng ra chưa đến một tiếng, ông Lưu Vũ Tiều giống như một “anh chàng thổi sáo” biết làm làm phép, “thổi ra” một dòng người xếp hàng dài dằng dặc để đợi đến lượt mua cơm nếp sụn heo.
Từ nơi khác đến Đài Nam sinh sống, ông Giản Minh Ân chia sẻ với cảm nhận đặc biệt sâu sắc rằng: “Tôi được coi là người “khởi nghiệp ở tuổi trung niên” nhưng nhiều chủ kinh doanh ở Đài Nam thường rất trẻ, chỉ có hai, ba mươi tuổi thôi”. Ông Lưu Vũ Tiều, chủ kinh doanh món cơm nếp sụn heo Nuo Fu, ngay sau khi tốt nghiệp đại học đã bắt đầu sự nghiệp riêng, ông lấy hương vị gia truyền mà bản thân cảm thấy rất tự hào để xây dựng thương hiệu món ăn vặt.
Đối với ông Lưu Vũ Tiều, quá trình này diễn ra khá tự nhiên. Do gia đình kinh doanh trường mầm non, từ nhỏ ông rất thích theo bà nội vào bếp để khám phá những nguyên liệu trong lúc bà đang cặm cụi nấu nướng, vì thế ông rất có hứng thú nấu ăn. Thời học đại học, ông sống một mình ở bên ngoài, niềm đam mê nấu nướng trở nên không giới hạn. Ngoài giờ học ở trường và đi làm thêm, trò giải trí lớn nhất của ông chính là theo dõi các chương trình nấu ăn trên truyền hình, rồi tự mình xuống bếp làm thử.
Ông luôn khát khao được làm việc trong ngành phục vụ ăn uống sau khi tốt nghiệp, vì một câu hỏi của bạn bè: “Món ăn nào có ấn tượng sâu sắc nhất đối với cậu?”, món cơm nếp sụn heo được bà nội nấu ở nhà hồi còn nhỏ đã hiện lên trong tâm trí, chính vì thế giúp ông mở ra cơ hội khởi nghiệp.
Các món ở cửa hàng xôi Nuo Fu khá đơn giản, chủ yếu gồm cơm nếp sụn heo và xôi mặn. Về nguyên liệu và quy trình chế biến cũng tương tự, hai món này đều sử dụng gạo nếp hạt dài sản xuất tại khu Hậu Bích, thành phố Đài Nam. Gạo nếp hạt dài sẽ được để hơn 8 tháng, vì vậy khi nấu lên hạt nào hạt nấy tơi đều, nấu với dầu mè đen của Tây Cảng khiến vị thơm thanh khiết tỏa ra, ngoài ra còn cho thêm các nguyên liệu tôm khô, nấm hương khô, thịt lợn và chút đường phèn càng làm nổi bật hương vị cho món ăn. Ông Lưu Vũ Tiều giải thích: “Món cơm nếp sụn heo được nấu ở nhà nhất định phải cho thêm đường phèn, bởi ăn đồ nếp dễ bị đầy hơi, ăn dầu mè thì dễ bị nhiệt, nếu cho vào một ít đường phèn có thể giúp giải nhiệt, cải thiện đầy hơi, đây là trí tuệ được đúc rút từ đời cha ông”.
Dường như được thần linh phù hộ, năm ngoái thương hiệu xôi Nuo Fu chính thức chuyển từ xe đẩy bán lưu động thành cửa tiệm bán đồ ăn vặt, tiệm nằm ngay cạnh “Đền Hạ Thái tử” ở khu Trung Tây, tại căn nhà cũ thuộc sở hữu của ngôi đền. Ông Lưu Vũ Tiều cho sửa sang lại căn nhà hai tầng có diện tích 33m2, với bức tường được làm bằng đá mài và gạch đỏ, chiếc tủ bếp bằng gỗ với lưới màu xanh, ở tầng một treo một chiếc thùng đựng gạo rất to, kết hợp những chiếc bát sứ đựng đồ ăn vặt nhãn hiệu Tatung rất mộc mạc, tạo ra một cảm giác rất hoài cổ.
Tuy nhiên, điều khiến mọi người lưu luyến nhất chính là khu vực quầy bar chỉ có bốn chỗ ngồi đối mặt với quầy bếp, khách hàng ngồi sát nhau trước chiếc bàn dài để thưởng thức món điểm tâm mang đậm hương xưa vị cũ rất mộc mạc, thậm chí có thể tình cờ tán gẫu vài câu rất đời thường với chủ tiệm. Nhờ vậy mới khiến người ta thực sự nghiệm ra rằng, tình người nồng hậu khó diễn tả bằng lời, lối sống nhẹ nhàng giản dị của người dân chính là lý do thu hút đông đảo du khách nước ngoài ghé thăm Đài Loan, hóa ra những điều đó lại xảy ra trong một không gian nhỏ bé đến vậy.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Ông Lưu Vũ Tiều tìm thấy động lực khởi nghiệp từ những trải nghiệm cuộc sống, xây dựng thương hiệu cho món ăn vặt với câu chuyện của riêng mình.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Một cửa hiệu nhỏ mang phong cách độc đáo có thể tạo ra lý do thu hút du khách không ngại đường xa ghé thăm.
_web.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)

