Công nghệ TrustTech – Cao thủ phòng chống lừa đảo
Gogolook, Authme
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Gogolook cung cấp Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 8 2024
Năm 2023, từ điển Merriam-Webster đã chọn từ “authentic” (chính xác, xác thực) làm key word của năm, qua đó thấy rõ “độ hot” của trí tuệ nhân tạo và AI tạo sinh. Trong thời đại thực hư lẫn lộn ngày nay, con người khát vọng về “sự chân thật” hơn bao giờ hết.
Công ty start-up Gogolook của Đài Loan đã dùng kỹ thuật AI, kho dữ liệu hoàn chỉnh để nhận biết các cuộc gọi, tin nhắn và tên miền website; còn Authme thì dùng AI sáng tạo và kỹ thuật xác định thực thể sống thụ động để xác định tính xác thực của danh tính kỹ thuật số, giúp con người có thể tin tưởng “Đây là thật” trong thời đại “Deepfake” (công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh, giọng nói) và “Hậu sự thật”.
Trong một bài viết vào tháng 2 năm nay, CNN đã đưa tin về một vụ lừa đảo tại Hong Kong, nhân viên tài chính sau khi kết thúc cuộc họp video với tổng công ty ở Anh, đã chuyển khoản 200 triệu HKD (khoảng 800 triệu Đài tệ) cho giám đốc tài chính. Sau đó mới phát hiện, kẻ lừa đảo đã áp dụng công nghệ deepfake để giả làm giám đốc tài chính.
“Sẽ ngày càng có nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn liên tục được cập nhật”. Giám đốc PR của công ty Gogolook, ông Thái Mạnh Hoành (Marco Tsai) nói, kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng các điểm yếu của con người như sự hoảng sợ, lòng tham để làm mất đi sự cảnh giác của họ, để họ quên mất rằng thay vì phải đi xác nhận có phải là sự thật hay không thì lại đi chuyển tiền không một chút mảy may.
Sản phẩm chính của Gogolook chính là Whoscall, là ứng dụng chuyên dùng để nhận diện số cuộc gọi và tin nhắn từ số điện thoại lạ, đạt đến một trăm triệu lượt tải trên toàn thế giới, dịch vụ mở rộng đến 9 quốc gia ở châu Á. Ứng dụng này cũng được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan, cứ trung bình 2 người sẽ có một người sử dụng Whoscall. Từ khi được thành lập vào năm 2012 đến nay, doanh thu của Gogolook đã không ngừng tăng trưởng, năm 2023, doanh thu của Gogolook đạt 770 triệu Đài tệ, tăng trưởng 83%/năm. Điều này cho thấy trong thời buổi các tổ chức lừa đảo hoành hành trên toàn cầu, các ngành nghề phòng chống lừa đảo đã tăng trưởng khả quan.
Động tác cuối cùng của các vụ lừa đảo tài chính là đều phải gọi điện hoặc nhắn tin cho “con mồi”, app Gogolook sẽ nhắc nhở bạn, đây có phải là điện thoại hay tin nhắn có “rủi ro cao” hay không.
Thần tượng điểm tên, danh tiếng vang dội
Sau khi được “Tượng đài công nghệ” Eric Schmidt gọi tên, Whoscall càng trở nên nổi tiếng hơn, liên tục được các hãng truyền thông mời phỏng vấn và được quỹ đầu tư rót vốn. Ứng dụng này vốn dĩ là sản phẩm được phát triển sau giờ làm việc của 3 người gồm Trịnh Thắng Phong (Jackie Cheng), Quách Kiến Phố (Jeff Kuo) và Tống Chính Hoàn (Reiny Song). Năm 2012, họ quyết định xin nghỉ công việc chính thức để dồn hết tâm sức phát triển ứng dụng này. Với gợi ý từ hiện tượng ngày càng có nhiều người vừa đi vừa xem điện thoại, họ đã đặt tên công ty là “Gogolook” (vừa đi vừa nhìn).
Người đồng sáng lập kiêm CEO của Gogolook, ông Quách Kiến Phố đã đoạt giải thưởng Sáng tạo của Tổng thống lần thứ 4.
Người dùng hợp tác, cùng dựng lớp “phòng vệ” công nghệ
Từ một phần mềm không ai biết đến bỗng chốc trở nên nổi tiếng, từ kinh doanh khó khăn đến khi được NAVER (công ty mẹ của ứng dụng LINE) đầu tư 529 triệu Đài tệ, Gogolook tự tin có thể đưa ra giải pháp cho người dùng trước sự khủng hoảng của các cuộc gọi, tin nhắn không rõ nguồn gốc và sự mất cân bằng thông tin.
Ông Thái Mạnh Hoành nói: “Kho dữ liệu là kỹ thuật then chốt của chúng tôi, trong đó các số điện thoại chính là ‘bờ rào bảo vệ’ của kỹ thuật then chốt. Hiện tại Gogolook sở hữu thông tin của 2,6 tỷ số điện thoại, những năm gần đây đang mở rộng đến tên miền website, là kho dữ liệu phòng chống lừa đảo lớn nhất khu vực Đông Á”. Trong đó, có 20% -30% thông tin là do người dùng phản hồi, qua đó hình thành cộng đồng cộng tác.
Đối tác chính của Gogolook tại Đài Loan là Cục Hình sự. Ông Thái Mạnh Hoành lấy ví dụ về các vụ lừa đảo về trả góp khi mua sắm online, Whoscall hiển thị: “Đây là ‘Số điện thoại có rủi ro cao’”, nhắc nhở người sử dụng ‘hãy tỉnh táo’, phải kiểm chứng trước khi chuyển khoản.
Vì thế, đến cảnh sát cũng khuyên những người lớn tuổi dễ bị lừa chuyển khoản hãy “cài đặt Whoscall”, để giúp họ nhận diện điện thoại của kẻ lừa đảo.
Giám đốc Thái Mạnh Hoành tiết lộ: “Hiện tại Gogolook có gần 200 nhân viên, trong đó có 100 người phụ trách sản phẩm tuyến cuối và vận hành kho dữ liệu, đây là điều mà bất cứ đơn vị nhà nước hay tư nhân nào cũng khó làm được”. (Ảnh: Chuang Kung-ju)
Gogolook trở thành công ty phần mềm đầu tiên lên sàn trên Taiwan Innovation Board.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng yêu thích
Whoscall còn được đơn vị cảnh sát ở nhiều nước giới thiệu cho người dân sử dụng như ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hong Kong.
Ông Thái Mạnh Hoành nói, số vụ án lừa đảo tại các nước Đông Nam Á từ năm 2020 đến 2021 liên tục tăng theo cấp số nhân, dịch vụ của Whoscall cũng được người dân bản địa sử dụng rộng rãi, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng được đồng loạt giới thiệu sử dụng.
Gogolook cũng đã hợp tác với cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cục An ninh mạng Quốc gia Thái Lan. Ông Thái Mạnh Hoành nói: “Cảnh sát Thái Lan cũng giới thiệu Whoscall cho người dân sử dụng. Đối với chúng tôi, có tiền cũng chưa chắc đã mua được sự giới thiệu này”.
Hiện tại, Gogolook đã tiến vào thị trường 9 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Brazil…; không chỉ có tỷ lệ thâm nhập thị trường hàng đầu tại Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, dự kiến số lượng người dùng tại Thái Lan năm nay sẽ vượt qua Đài Loan. Năm 2023, Gogolook đã gia nhập Liên minh Phòng chống lừa đảo Quốc tế (GASA), trở thành cầu nối hợp tác trong công tác phòng chống lừa đảo giữa châu Á và khu vực Âu-Mỹ với tư cách thành viên sáng lập.
Tháng 2 năm 2024, Gogolook đã hợp tác với StoreFront – một doanh nghiệp có hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản, kết nối kho dữ liệu số điện thoại của Gogolook, xây dựng dịch vụ nhận diện cuộc gọi đến tại nước sở tại.
Gogolook đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh phòng chống lừa đảo châu Á lần thứ nhất vào năm 2023, mời các tổ chức phi chính phủ và đơn vị cảnh sát các nước châu Á cùng đến đối thoại và giao lưu.
Gogolook đã hợp tác với StoreFront của Nhật Bản, cùng phát triển thương hiệu riêng về dịch vụ nhận diện cuộc gọi lạ. (Bên trái là CEO Quách Kiến Phố của Gogolook, bên phải là CEO Hideaki Okada của StoreFront)
Gogolook ký Bản ghi nhớ hợp tác với Cục An ninh mạng Quốc gia Thái Lan..
Start-up đi đầu trong lĩnh vực doanh nghiệp chống lừa đảo
Năm 2023, Gogolook được Ủy ban Phát triển Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc công nhận là ngôi sao khởi nghiệp sáng giá của NEXT BIG, trở thành công ty phần mềm lên sàn chứng khoán Taiwan Innovation Board đầu tiên của Đài Loan.
“Chúng tôi phát triển công nghệ ‘TrustTech’, dốc sức tìm ra giải pháp chống lại vấn nạn lừa đảo”. Ông Thái Mạnh Hoành nói, Gogolook đi lên nhờ công nghệ phòng chống lừa đảo viễn thông. Họ phát hiện, dù là trong các vụ lừa đảo tài chính với vô vàn thủ đoạn đi nữa thì cuối cùng kẻ xấu nhất định vẫn phải gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho “con mồi”. Công nghệ có thể nhận diện được các yếu tố phía trước, nhưng quan trọng hơn cả, mỗi người đều nên có thái độ “cảnh giác với nỗi sợ hãi” để phòng chống lừa đảo.
Authme thông qua kỹ thuật “xác định thực thể sống thụ động” để xác định người đứng trước ống kính có phải người thật hay không. Nếu dùng “hình ảnh” để thay thế sẽ xuất hiện cảnh báo không phải người thật. (Ảnh: Chuang Kung-ju)
Authme
Năm 2023, từ điển Merriam-Webster đã chọn từ “authentic” là keyword của năm, động từ là authenticate. Công ty cổ phần Authme chính là viết tắt của từ Authenticate me (xác thực danh tính của tôi). Authme đã nhắm đến tiềm năng thương mại xác minh danh tính kỹ thuật số, dựa trên nền tảng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo, giải mã công nghệ deepfake để xác nhận sự thật về danh tính.
Xuất phát từ tư duy của một hacker mũ trắng, CEO Lý Kỷ Quảng (Andy Lee) của Authme đã suy ngẫm về giải pháp xác thực định danh. (Ảnh: Chuang Kung -ju)
Nhận dạng mặt người để xác định người “thật” hay “giả”
“Dùng tình huống thực tế trong cuộc sống để lấy ví dụ sẽ hiểu rõ hơn tính quan trọng của xác minh danh tính kỹ thuật số”. Giám đốc Marketing Lâm Úc Đình (Yvonne Lin) của Authme giải thích, hiện nay có rất nhiều người mở tài khoản trên mạng, nhưng làm sao giúp ngành tài chính xác thực giấy chứng minh mà người mở tài khoản đăng tải lên mạng có thật hay không, người mở tài khoản có phải là chính chủ của giấy chứng minh hay không, thậm chí có thể xác định được người mở tài khoản có phải là người có thật hay không?
“Đây là ‘KYC’ của giới tài chính, tuy nhiên, mỗi khâu đều có thể gặp phải kẻ lừa đảo”. Cô nói, ví dụ như giấy tờ có thể là giấy tờ bị lấy cắp, ngụy tạo, Authme có thể thông qua công nghệ AI để quét các biểu tượng phòng chống ngụy tạo như tem laser trên giấy chứng minh để xác nhận giấy tờ là thật hay giả.
Hơn nữa, những tấm hình selfie có thể dùng các phần mềm AI như ChatGPT Sora để giả mạo. Vậy làm sao có thể kiểm chứng được? Authme có thể thông qua kỹ thuật đối chiếu mặt người bằng AI, đầu tiên sẽ đối chiếu mặt người với hình trên giấy tờ để xem có phải là của cùng một người hay không, sau đó sẽ thông qua kỹ thuật xác định thực thể sống thụ động để xác nhận người đứng trước ống kính này có các đặc điểm cần thiết của “người thật” hay không, như mao mạch dưới mắt có tuần hoàn máu không, vân da…, toàn bộ quy trình này trông có vẻ phức tạp nhưng lại có thể hoàn thành chỉ trong một phút ngắn ngủi.
Bà Lâm Úc Đình - Giám đốc Marketing của Authme cho rằng, thông qua kỹ thuật AI có thể nhanh chóng nhận dạng giấy tờ là thật hay giả. (Ảnh: Chuang Kung-ju)
Hacker mũ trắng, phát hiện tiềm năng thương mại
Để có thể tìm ra tiềm năng thương mại qua việc xác thực định danh tại các khâu có khả năng trở thành lỗ hổng bị lừa đảo, là do ông Lý Kỷ Quảng (Andy Lee) - một trong số người sáng lập, đồng thời cũng là Giám đốc điều hành của Authme, từng là hacker mũ trắng (kỹ sư phần mềm chuyên giải quyết các lỗ hổng bảo mật). Năm 2016, ông từng khởi nghiệp đầu tư sàn giao dịch tiền ảo, từ tư duy logic của một hacker, ông luôn suy ngẫm đến vấn đề: Trong tình huống nào thì dễ bị thông tin giả tấn công, đồng thời ông cũng phát hiện ra hai điểm mù khi xác thực định danh.
Thứ nhất là quy trình không đủ tiện lợi, thứ hai là doanh nghiệp thông qua kiểm tra bằng thủ công, cùng với sự phát triển của công nghệ, mắt thường cũng chưa chắc có thể phát hiện hình ảnh có phải ngụy tạo hay không một cách chính xác.
Ông Lý Kỷ Quảng (Andy Lee) phát hiện ra cơ hội này nên đã mời một hacker mũ trắng khác là ông Hứa Nãi Hách (Dalton) và ông Tăng Quốc Triển (Kuo Chan Tseng) - một người có hoài bão về tài chính toàn diện (mọi người đều có cơ hội bình đẳng được tiếp cận dịch vụ tài chính), cùng thành lập Authme vào năm 2019, thông qua kỹ thuật AI để xác thực định dạng kỹ thuật số. Vừa đúng thời điểm Đài Loan mở cửa cho dịch vụ ngân hàng số thuần túy, Authme đã hợp tác cùng với LINE Bank – ngân hàng thuần số đầu tiên xin được giấy phép tại Đài Loan, đến nay đã hỗ trợ hơn 3 triệu lượt xác nhận.
Tiềm năng tài chính toàn diện tại nước ngoài
Nhìn ra thị trường quốc tế, cạnh tranh về sản phẩm nhận dạng khuôn mặt chủ yếu đến từ các quốc gia Âu Mỹ. Bà Lâm Úc Đình nói, tỷ lệ kết cấu khuôn mặt, khung xương mặt của người da trắng và người da vàng khác nhau. Ưu thế của Authme ở chỗ đã tích lũy được “bộ sưu tập dữ liệu” hàng triệu khuôn mặt từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, thông qua mô hình huấn luyện AI và thông qua phương pháp học liên kết để tối ưu hóa mô hình AI, đạt đến độ chính xác 99,7%.
Ngoài nhận dạng khuôn mặt còn có thể nhận dạng giấy tờ, Authme có thể áp dụng kỹ thuật nhận dạng ký tự quang học, scan các thông tin cơ bản trên hộ chiếu, dùng chức năng NFC của điện thoại để trực tiếp đọc chip trên hộ chiếu. Bà Lâm Úc Đình nói, công nghệ này của Authme đã được đăng ký độc quyền tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, hy vọng có thể nhân cơ hội này mở rộng thị trường nước ngoài.
Giám đốc vận hành của Authme, ông Tăng Quốc Triển từng làm việc trong ngành nuôi trồng thủy hải sản ở Indonesia. Ông thấy rằng nhiều vùng quê hẻo lánh tại Indonesia không có ngân hàng, vì thế người dân không có cơ hội vay vốn bằng dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, người dân Indonesia ai cũng có điện thoại di động, như vậy có thể thông qua chứng nhận kỹ thuật số để thực tiễn tài chính toàn diện.
Authme sẽ dựa theo nhu cầu về tốc độ mạng và khu vực, thông qua thuật toán tối ưu hóa mô hình AI, có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường Đông Nam Á.
Mặc dù các ứng dụng kỹ thuật số ngày càng phổ biến nhưng quan trọng nhất vẫn là tuyến phòng thủ nhận dạng định danh đầu tiên để kẻ lừa đảo không có cơ hội lợi dụng. Ông Lý Kỷ Quảng (Andy Lee) nói: “Đây là vấn đề mà cả thế giới đều gặp phải, Đài Loan rất xuất sắc trong lĩnh vực này vì địa chính trị thường xuyên bị tấn công, nhưng công nghệ chính là sức mạnh cứng của chúng ta, tìm ra hướng giải quyết cũng có nghĩa là có thể quảng bá ra toàn thế giới”.
Authme đi sâu vào lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt, dùng công nghệ để xác nhận “bạn là ai”, không chỉ hiệu quả mà còn có thể làm được điều mà mắt thường không thể làm. (Nguồn: Authme)