Cuộc đối thoại về đề tài thổ dân giữa Đài Loan và Philippines
Đối tác đồng hành bước ra thế giới
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 2 2025

Giữa Đài Loan và Philippines có một mối duyên rất “phi thường”, chúng ta có thể ngược dòng thời gian trở về thời kỳ di cư của các nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Dựa trên bằng chứng về khảo cổ học trong quá khứ để nêu ra luận điểm Đài Loan là nơi khởi nguồn của các dân tộc ngữ hệ Nam Đảo. Qua nghiên cứu tuyến đường di cư của các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo, các học giả nhận định, điểm xuất phát chính là từ Đài Loan, trước tiên họ di cư đến quần đảo Philippines, rồi tiếp tục đi về hướng Nam tới vùng đảo Borneo, sau đó được chia làm hai nhánh, một nhánh đi theo hướng Đông tới Thái Bình Dương và nhánh còn lại di chuyển theo hướng Tây đến Ấn Độ Dương.
Nếu xét về tuyến đường di chuyển, các dân tộc thổ dân của Đài Loan và Philippines có mối tương quan sâu sắc từ thời cổ xưa, hai bên cũng có những nét tương đồng trong văn hóa. Họ đều là những chủ nhân đầu tiên của các vùng đất nhưng đều phải đối mặt với sự trớ trêu của lịch sử, đó chính là sự xâm lược và áp bức của các nhóm dân tộc từ nơi khác đến. Phong trào đấu tranh của các dân tộc thổ dân ở hai bên đều trỗi dậy vào thập kỷ 1980, sau khi bước sang thế kỷ thứ 21, vấn đề phục hưng văn hóa vẫn đang tiếp tục nóng lên. Chính vì vậy, sự kết nối xuyên quốc gia của các cộng đồng dân tộc thổ dân càng trở nên ý nghĩa hơn trong thời đương đại.

Bắt đầu từ việc “lấy con người làm gốc”
Trên trang Facebook của Chủ nhiệm Khoa Dân tộc học Đại học Chính trị Đài Loan Daya Dakasi có chia sẻ vô số thông tin về các diễn đàn, các buổi tọa đàm và hội thảo có liên quan đến các tộc người thổ dân Đông Nam Á. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy rất bất ngờ khi thấy những nghiên cứu học thuật về Đông Nam Á lại đa dạng đến vậy, không chỉ mang đậm bản sắc địa phương mà cũng rất có tính hội nhập quốc tế.
Đại học chính trị Đài Loan - đơn vị nghiên cứu lâu năm về khu vực Đông Nam Á, trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu nhất định. Năm 2015, Trường hợp tác với Đại học California tại Los Angeles, Mỹ (UCLA) mở khóa học khảo sát thực địa tại Ifugao, Philippines; năm 2016, thành lập Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á; được sự ủng hộ của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan, năm 2018 đã triển khai dự án “Trung tâm nghiên cứu khoa học về Kiến thức dân tộc thổ dân, Kiến thức bản địa và Phát triển bền vững Đài Loan - Philippines”; kết nối các nguồn lực quốc tế từ Mỹ và Philippines. Đài Loan và khu vực Ifugao của Philippines cũng từng bước xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, đồng thời thiết lập cơ sở khảo sát thực địa tại hai bên, trong đó cơ sở tại Philippines được đặt ở tỉnh Ifugao, còn cơ sở tại Đài Loan nằm ở bộ lạc Sqoyaw của tộc người Atayal.
Vào năm 2019, Đại học Chính trị Đài Loan đã thành lập “Văn phòng Philippines thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học Đài Loan - Philippines tại nước ngoài” ở cơ sở Lamut của Đại học Ifugao, Philippines. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, hai bên vẫn thông qua hình thức hội thảo video và trực tuyến, tiếp tục giao lưu đối thoại, triển khai nghiên cứu so sánh về kiến thức bản địa và kiến thức dân tộc thổ dân xuyên quốc gia.
Chủ nhiệm Daya Dakasi, cũng là người điều hành kế hoạch Trung tâm nghiên cứu, chia sẻ rằng, sự phát triển này thực ra dựa trên nền tảng của “Chính sách hướng Nam mới”, “Chính sách hướng Nam mới nhận thấy việc “Nam tiến” cần được thiết lập dựa trên sự kết nối sâu sắc về nhân văn, thực sự làm bạn với nhau, như vậy mối liên kết về kinh tế và thương mại mới có thể vững vàng, ổn định”.

Đại học Chính trị Đài Loan đã thành lập “Văn phòng Philippines thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học Đài Loan - Philippines tại nước ngoài” ở cơ sở Lamut thuộc Đại học Ifugao của Philippines. (Ảnh: Daya Dakasi cung cấp)

Nghi lễ thu hoạch lúa của người Ifugao sẽ do 3 vị thầy tế truyền thống (mumbaki) chủ trì. (Ảnh: Young Shau-lou)
Những vấn đề chung mà hai bên đều phải đối mặt
Ông Daya Dakasi giải thích: “Tiến trình lịch sử của các tộc người thổ dân vùng núi hai nước Đài Loan và Philippines có một điểm chung, đều là những khu vực mà thế lực thực dân bên ngoài xâm nhập vào muộn nhất”. Đến tận đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân Nhật Bản mới thâm nhập vào các vùng núi của Đài Loan bằng sức mạnh vũ lực, còn Philippines, mặc dù ngay từ năm 1565 đã được đưa vào danh sách thuộc địa của Tây Ban Nha nhưng quyền lực của thực dân không mở rộng trên toàn lãnh thổ Philippines, như khu vực núi Cordillera thuộc tỉnh Ifugao nằm ở phía Bắc đảo Luzon vẫn là vùng đất không bị chính quyền thực dân cai quản. Cho đến tận năm 1898, sau khi Philippines bị Tây Ban Nha cắt nhượng lại cho Mỹ, người Mỹ cho xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục trên khắp cả nước mới tạo ra sự cai trị hiệu quả của chính quyền thực dân tại các vùng núi, tạo ảnh hưởng thực sự đến đời sống hàng ngày của các tộc người thổ dân ở nước này.
Với bối cảnh tương tự nhau, các tộc người thổ dân của Đài Loan và Philippines đều phải đối mặt với các vấn đề như cách ứng biến để có thể vừa gìn giữ truyền thống vừa đi đôi với phát triển, sự giằng co bởi sức mạnh thị trường, thậm chí cả vấn đề dân tộc và quốc gia.
Cô Ngô Nghi Cẩn (Wu Yi-chin) nhận được bằng Tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Đại học Sussex của Anh quốc vào năm 2023 với luận án tìm hiểu về cách tương tác giữa kiến thức truyền thống của các tộc người thổ dân với nền văn minh hiện đại. Vì vậy, cô đã triển khai nghiên cứu trong vòng 1 năm tại Ifugao về cách thức mà người thổ dân đã thực hành những kiến thức truyền thống, cũng như giữa kiến thức truyền thống và văn hóa hiện đại đã hòa hợp với nhau như thế nào hoặc có những xung đột ra sao. Chẳng hạn việc áp dụng kiến thức truyền thống vào canh tác, dệt vải và trị bệnh, do việc canh tác và dệt vải của người thổ dân được coi là di sản văn hóa quan trọng, vì vậy bắt buộc phải bảo tồn; nhưng mặt khác vì phần đông người Philippines đều theo đạo Thiên Chúa, cho nên việc khám chữa bệnh và nghi thức truyền thống của thầy cúng bị cho là tiêu cực nên đã bị cố tình đè nén. “Di sản văn hóa của khu vực Ifugao tại sao lại được phát triển, hoặc không được phát triển, đó không chỉ là hình thức bề ngoài, mà sâu bên trong còn chứa đựng rất nhiều những yếu tố phức tạp”, cô Ngô Nghi Cẩn giải thích.
Đây cũng là điểm mấu chốt được quan tâm trong lĩnh vực dân tộc học, nếu so sánh với các manh mối trong quá khứ qua ngôn ngữ học và khảo cổ học, lĩnh vực dân tộc học coi trọng việc xem xét một cách toàn diện những khó khăn mà các bộ lạc gặp phải trong xã hội đương đại. “Với quan điểm như vậy, chúng ta không chỉ thấy được sự tương đồng của lịch sử trong quá khứ, mà trong quá trình phi thực dân hóa, các tộc người thổ dân của cả Đài Loan và Philippines đều phải nếm trải những thách thức đến từ sự phát triển của thời đương đại”.

Philippines và Đài Loan tuy đều là quốc đảo, nhưng lại hình thành những đặc điểm và bối cảnh kỹ thuật dệt vải khác nhau, tuy nhiên, hai bên đều hết sức nỗ lực để phát huy văn hóa truyền thống. (Ảnh: Pilin Yapu cung cấp)
Từ Đài Loan kết nối với Ifugao
Tỉnh Ifugao nằm ở phía Bắc của đảo Luzon, là hòn đảo lớn nhất của Philippines, khu vực này đã kế thừa trí tuệ của tổ tiên, dùng những phiến đá và lấy đất be bờ để tạo ra từng thửa ruộng bậc thang có thể trồng trọt trên địa hình dốc núi hiểm trở, thể hiện sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, vì vậy đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kể từ năm 2015, ông Daya Dakasi đã mời nhiều bạn bè có hoàn cảnh khác nhau đến thăm Ifugao và tham gia giao lưu. Ông nêu ví dụ, khi các vị bô lão của bộ lạc tới thăm khu vực khai quật khảo cổ tại Ifugao, trong khi giới học thuật cho rằng việc khai quật các di tích là điều hiển nhiên thì ngược lại, các vị bô lão trong đoàn trong lúc tham quan đã liên tục nhờ ông Daya Dakasi phiên dịch, để hỏi hành động khai quật đó liệu có được bộ lạc đồng ý hay không. Kinh nghiệm của các vị bô lão đã làm nổi rõ một điều là: mỗi một vị trí và vai trò đều có lập trường riêng, ông Daya Dakasi giải thích, khi gặp phải sự xung đột như vậy giữa khoa học hiện đại với truyền thống thì càng cần phải suy xét và đối thoại.
Cô Ngô Nghi Cẩn thì chia sẻ về sự khác biệt trong phong trào đấu tranh của thổ dân ở hai nước: “Tầm nhìn của Philippines khi thảo luận các vấn đề dân tộc thổ dân rất rộng mở, không chỉ bàn luận về vấn đề thổ dân mà còn thảo luận về các vấn đề khác như người lao động, phụ nữ v.v… Còn tình hình tại Đài Loan thì chỉ giới hạn trong vấn đề về các nhóm dân tộc, thật đáng tiếc”.

Ông Pilin Yapu chia sẻ, đường lối giáo dục Dân tộc học tại địa phương của Ifugao phần lớn dựa vào các nhà hoạt động tại địa phương, nhất là nguồn lực của các trường đại học. (Ảnh: Pilin Yapu cung cấp)
Sự thực hành xã hội của giới học thuật
Ông Daya Dakasi nhắc nhở mọi người rằng, những nghiên cứu về người thổ dân “phải kết hợp với xã hội, nghiên cứu vốn là một kiểu hành động để tìm cách giải quyết khó khăn của cộng đồng”. Vì vậy, khi kế hoạch vừa bắt đầu đã ấn định sẽ triển khai giao lưu song phương trong 3 lĩnh vực bao gồm: sinh thái văn hóa, phát triển xã hội và quản trị môi trường. Về sinh thái văn hóa ví dụ như tái canh lúa, chú trọng đến ý nghĩa của sự tương tác giữa con người và môi trường; về phát triển xã hội thì tập trung vào vấn đề khi văn hóa trở thành sự phát triển đằng sau cơ chế thị trường; còn về quản trị môi trường thì quan tâm đến những vấn đề có thể gặp phải về bảo tồn môi trường và thủy văn sau khi phục hồi ruộng bậc thang. Đó đều là những vấn đề chung mà cộng đồng người thổ dân ở cả hai nước hiện đang phải đối mặt, có thể chia sẻ trong phần kinh nghiệm và kiến thức dân tộc thổ dân của hai nước, cung cấp những gợi ý và tham khảo để thực hành.
Quan sát học hỏi lẫn nhau về giáo dục Dân tộc học
Năm 2022, ông Pilin Yapu nhận lời mời của ông Daya Dakasi tới Ifugao khảo sát, ông là hiệu trưởng của Trường tiểu học Puma Đài Trung - ngôi trường thực nghiệm đầu tiên của dân tộc thổ dân tại Đài Loan, đồng thời cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy giáo dục thực nghiệm của dân tộc thổ dân Đài Loan.
Ông Pilin Yapu nói: “Tại Đài Loan, chính phủ là người quán triệt chính sách đối với các dân tộc thổ dân, còn tại Philippines hầu hết nguồn lực đều tập trung vào các trường đại học”. Có thể vì sự đa dạng chủng tộc nên Philippines không thể phát triển đề cương chương trình giảng dạy riêng cho từng nhóm dân tộc, mà sẽ do các trường đại học tại địa phương biên soạn giáo trình theo mô hình và phương pháp giảng dạy, sau đó các nhóm dân tộc có thể tự nghiên cứu áp dụng. Cách làm như vậy cho thấy sự năng động trong việc phát triển độc lập của các trường đại học, với nhiều kênh đào tạo giảng viên đa dạng, là ưu thế mà ông Pilin Yapu đã quan sát được, có thể cung cấp cho Đài Loan tham khảo trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên.
Còn tại Đài Loan, vì Luật Giáo dục dân tộc thổ dân đã được xây dựng, các nhóm dân tộc có thể phát triển đề cương chương trình giảng dạy cho riêng mình. Lấy dân tộc Atayal làm ví dụ, ông Pilin Yapu đã xin tư vấn từ các vị bô lão trong bộ lạc về tinh thần giáo dục cốt lõi trong văn hóa Atayal và đúc rút tổng kết bằng câu nói: “Atayal na balay Kinya lyutu na Atayan”(có nghĩa là: “Trở thành con người chân chính, người mang linh hồn Atayal”), lấy lời tổ huấn GAGA của tộc người Atayal làm cốt lõi và chia thành 7 phương diện chính, 26 chủ đề, 338 mục, tổng cộng 2.560 tiết học. Ông cũng đã mang kinh nghiệm này sang Philippines để chia sẻ, khiến những người địa phương phải tấm tắc.
Sau khi quan sát nội dung giáo trình, hiệu trưởng Pilin Yapu chỉ ra rằng, giáo trình của Ifugao chủ yếu thiên về truyền thụ văn hóa và nghề thủ công mỹ nghệ, còn giáo trình của Đài Loan có nội dung toàn diện hơn, từ tinh thần của tộc người Atayal, vũ trụ học, tư tưởng triết học, những ngày lễ hội trong các mùa, thậm chí bao gồm cả lịch sử của bộ lạc, tổ chức xã hội, dân ca và lịch sử di cư..., “giáo trình của chúng tôi có tính toàn diện hơn”.

Khi toàn thế giới đang thảo luận về tầm quan trọng của kiến thức dân tộc thổ dân và kiến thức bản địa, sự kết nối xuyên quốc gia của các cộng đồng dân tộc thổ dân càng trở nên ý nghĩa hơn trong thời đương đại. (Ảnh: Young Shau-lou)
Bản sắc chính là con đường kết nối với toàn cầu
Trong thời đại ngày nay, khi cả thế giới đều đang thảo luận về tầm quan trọng của kiến thức dân tộc thổ dân, các tộc người thổ dân của cả Đài Loan và Philippines đều phải đối mặt với vấn đề văn hóa truyền thống làm thế nào để ứng phó với xã hội hiện đại. “Bản sắc chính là con đường kết nối với toàn cầu, các nhóm dân tộc thổ dân đã đối mặt với những thách thức bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau”, ông Daya Dakasi đã đúc rút ra điểm cốt lõi nhất trong hoạt động giao lưu về đề tài người thổ dân giữa Đài Loan và Philippines như vậy.




