Biển - Đồng bằng - Suối - Rừng
Khám phá Nghi Lan bằng xe đạp
Bài‧Rina Liu Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 10 2024
“Hãy mua một chiếc xe đạp. Bạn sẽ không hối tiếc nếu bạn sống”. Đây là câu nói của Mark Twain, nhà văn người Mỹ chuyên viết về phiêu lưu và du hành. Ngày nay, phương tiện giao thông đã trở nên nhanh hơn và rẻ hơn so với thời đại trước nên mọi người dường như trở nên nóng lòng muốn đến điểm đích, mà dần quên đi phong cảnh cũng như tâm trạng ngắm cảnh trên dọc đường đi. Lần này, chúng tôi muốn dùng tốc độ của hai bánh xe để có thể chậm rãi du ngoạn huyện Nghi Lan (Yilan).
Giao thoa mới – cũ tại Phố cổ Toucheng
Điểm xuất phát của chúng tôi là tại con phố có lịch sử phát triển lâu đời nhất tại thị trấn Toucheng – phố Touwei (nay là phố Heping), khám phá rất nhiều kiến trúc cổ xưa ẩn náu trong những con ngõ quanh co, từ những căn nhà phong cách Mân Nam có từ cuối đời nhà Thanh, nhà phong cách kiểu Tây xây dựng vào giữa thời kỳ quân Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, cho đến những căn nhà bê tông cốt thép vào cuối thời Nhật trị, đặc biệt là những căn nhà mặt phố liền kề thuộc thế hệ đầu tiên trên phố Heping. Mặc dù phần mái hiên bằng gạch đã mọc đầy rêu xanh nhưng con phố với tên gọi cũ là Touwei này đã từng là nơi thịnh vượng nhất của thành phố lớn ven biển vào cuối thời nhà Thanh và gắn liền với lịch sử phát triển của huyện Nghi Lan.
Bắt đầu hành trình từ cuối con phố Heping, băng qua đường hẻm dài chật chội, chúng tôi liền thấy “Phố Văn nghệ” và “Phố Văn học”, nơi được các nhà sáng tác nghệ thuật tạo dựng nên bằng phong cách nghệ thuật đương đại để lưu giữ lịch sử và văn học của Toucheng, trưng bày tác phẩm của hai tác giả quê ở Toucheng là cố nhà văn Lý Vinh Xuân (Li Rongchun) và cố thi sĩ Du Tượng Tân (You Xiangxin) – thành viên cuối cùng của hội thơ ca Dengying tại Toucheng.
Bài thơ do nhà thơ địa phương sáng tác cho quê hương Toucheng, được khắc ghi vĩnh viễn trên phần mái, tạo ra một hành lang ngập tràn ý thơ.
Cảnh sắc thay đổi dọc theo 20 cây số ven biển
Băng qua sông Erlong rồi rẽ trái, bắt đầu từ bờ đê Zhu’an, trước mắt chúng tôi là con đường dành riêng cho xe đạp ở ven biển Nghi Lan, nó gần như chạy song song với đường Tỉnh lộ số 2, dọc đường đi có thể nhìn ngắm đảo Quy Sơn từ xa. Giữa đường, rẽ vào khu rừng phòng hộ chắn gió ở đồi cát Zhuangwei, sẽ nhìn thấy cả một mảng xanh và len lỏi trong những bụi cây thấp là những hầm quân sự được xây dựng để ngăn chặn quân địch tấn công đổ bộ đường biển. Đến cuối đoạn đường còn có thể nhìn thấy cảnh sắc suối Lanyang đổ ra biển vô cùng hùng vĩ, cảnh biển, rừng và sông suối thu vào tầm mắt, cảm nhận gió biển, hương cây và ánh nắng mặt trời.
Sau đó chuyển hướng từ đường dành riêng cho xe đạp sang đường tỉnh lộ, tìm một ly cà phê mà bạn chắc chắn sẽ không thể nào có dịp được thưởng thức trong cuộc sống thường ngày – ly cà phê latte làm từ bí đỏ. Đây là sản phẩm của Vườn bí đỏ Wangshan, dùng bí đỏ xay nhuyễn để thay thế cho sữa tươi, tạo ra một thức uống mịn màng. Trên thế giới có 5 loại bí đỏ chủ yếu, vườn bí đỏ Wangshan trồng đủ cả 5 loại này. Bà Bành Thục Huệ (Peng Shu-hui), con dâu đời thứ hai của vườn bí đỏ đã chia sẻ với chúng tôi về hệ sinh thái tuần hoàn mà Wangshan đang kiên trì thực hiện: “Cây bí đỏ được trồng trong rổ, để thân leo của chúng bò lên trên giàn sắt, từ đó hình thành nên một đường hầm treo đầy bí đỏ”.
Trung tâm Du khách Đồi cát Zhuangwei được thiết kế bởi kiến trúc sư Huỳnh Thanh Viễn (Huang Sheng-yuan) trình chiếu tác phẩm của đạo diễn nổi tiếng Thái Minh Lượng, đưa nét đẹp của đồi cát vào không gian trong nhà.
Đền Mianmin: Khích lệ người dân thị trấn đến đền thờ
Đi dọc theo Tỉnh lộ số 7C để vào thị trấn Luodong tìm nơi ăn uống, chúng tôi bất ngờ tìm thấy tận sâu trong chợ đêm Luodong có một di tích đặc biệt – Đền Mianmin (勉民, 勉: khích lệ; 民: dân), khiến mọi người đều dừng bước. Khuôn viên đền Mianmin không lớn nhưng lại là một đền thờ cúng quan trọng được xây dựng tại phía Đông Đài Loan dưới thời nhà Thanh. Những quy định được đặt ra từ thời xưa vẫn còn hiện diện trên vách tường, chúng được viết bằng chữ Mãn như trong văn tự triều đình nhà Thanh thời xưa, nói rõ sứ mệnh của đền Mianmin ngoài là nơi phụ trách các sự vụ hành chính nhà nước, còn mượn tín ngưỡng để truyền bá Nho giáo. Trong đền không có những phiến đá điêu khắc hoa lệ, chỉ với màu sắc đơn sơ, đến cả ghế ngồi dùng để cung phụng ba vị thánh trong đền cũng chỉ là ba chiếc ghế gỗ mà thôi. Thế nhưng, đền Mianmin lại có kiến trúc “chín cửa ba cửa sổ” độc nhất vô nhị ở Đài Loan, đây là kiểu kiến trúc dinh thự dưới thời nhà Thanh, và đền Mianmin cũng là kiến trúc đền miếu duy nhất được gìn giữ dưới thời Nhật trị.
Chúng tôi lần nữa lên đường, mục tiêu lần này là Công viên Văn hoá Sáng tạo Chung Hsing, nơi chỉ cần đạp xe một quãng đường nhẹ nhàng là tới.
Trong Vườn bí đỏ Wangshan, có thể thấy các dây leo trườn trên giàn sắt, quả thì treo lơ lửng bên dưới. Ngoài ra còn có thể nhìn thấy đàn ong đang bận rộn bay đi bay lại khắp nơi.
Thưởng thức nghệ thuật và trình diễn ánh sáng
Tiền thân của Công viên Văn hoá Sáng tạo Chung Hsing là Công ty Giấy Chung Hsing, một doanh nghiệp từng xưng bá Đông Nam Á về sản lượng. Sau khi công ty kết thúc kinh doanh, vào năm 2015, cụm kiến trúc hoang tàn chỉ còn lại những vách tường gạch này được tái sinh thành khu công viên dùng cho triển lãm nghệ thuật. Buổi sáng, mỗi căn nhà đều sẽ mở cửa chào đón khách tham quan, bên trong trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thú vị, nhưng đến buổi tối, công viên trở nên mờ ảo với những ngọn đèn rải rác, tạo ra một vẻ đẹp ma mị rất khác biệt.
Trong công viên có một hồ nước cạn với đá sỏi dưới đáy, mặt hồ phản chiếu ánh đèn lung linh như vũ điệu của ánh sáng. Bên trên hồ nước là những dãy đèn nhỏ màu trắng, đung đưa khi gió thổi, bên cạnh hồ là hộp đèn với bài thơ “Hạ cảnh” của nhà thơ Nghi Lan Ngô Vỹ Đình (Tina Wu). Những chùm đèn trắng soi mình trên mặt hồ giống như bầu trời đầy sao, còn những hộp đèn màu vàng thì giống như những chiếc cột điêu khắc tuyệt đẹp, sóng nước và ánh sáng cùng tạo ra cảnh sắc mê ly đầy thu hút.
Gió thoảng bên sông mang theo mùi hương cỏ, bên tai là tiếng xào xạc của lá cây bách hói, đạp xe trên con đường cạnh suối Annong cho ta cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Đạp xe theo chiều gió, chinh phục đường xe đạp suối Annong
Trời tờ mờ sáng, sương mù tan đi, bên ngoài cửa sổ là suối Annong tuyệt đẹp dưới ánh nắng mặt trời. Đạp xe đến bờ đê, đồng thời là đường dành riêng cho xe đạp cạnh suối Annong, một bên là đồng ruộng bát ngát, một bên là suối Annong với dòng nước khi thì chảy xiết, khi thì hiền hoà.
Đường xe đạp quanh co băng qua một mảng rừng cây bách hói màu vàng cam rộng lớn, tiếp tục hướng về phía trước sẽ đến gần thượng nguồn của suối Annong. Đây chính là quê hương của loài hành Sanxing (三星蔥), với những ruộng hành xanh ngát, đung đưa theo những cơn gió lùa về, lá hành màu xanh không ngừng cúi đầu chào người chạy xe qua lại trên đường. Đằng xa là cảnh sắc núi non trùng điệp, nối tiếp nhau đến tận chân trời, vừa lắng nghe tiếng nước suối róc rách, vừa trò chuyện với những hàng cây cao to cạnh bờ suối.
Nhà kỷ niệm hành chính Nghi Lan là một kiến trúc tại thành phố Nghi Lan, đến nay vẫn còn giữ lại khoảnh vườn từ thời Nhật trị. Tại đây lưu giữ nhiều tài liệu của tòa thành cổ và cũng là minh chứng cho giai đoạn lịch sử hơn trăm năm của Nghi Lan.
Nét đẹp đền miếu, đơn sơ mộc mạc
Dọc theo con đường nhỏ cạnh suối Lanyang về hướng Bắc, rẽ trái để về lại Tỉnh lộ số 7C, chúng tôi đạp xe vào thành phố Nghi Lan, đến “Đền Chiêu Ứng” (Đền Zhaoying) – ngôi đền cổ xưa nhất tại miền Đông Đài Loan. Tại đây, chúng tôi đã gặp chuyên gia về văn hoá và lịch sử Diệp Vĩnh Thiều (Yeh Yung Shao). Ông cho biết, mặc dù đền Zhaoying không lớn nhưng lại là ngôi đền đẹp nhất đối với ông.
“Kỳ thực, đền miếu ở mỗi một thời đại khác nhau đều sẽ phản ánh quan niệm thẩm mỹ của thời đại đó. Nét đẹp của đền Zhaoying là ở chỗ, mỗi nơi đều được thiết kế rất đơn giản, mộc mạc, tất cả là vì sự đặc biệt của nó”. Ông Diệp Vĩnh Thiều chỉ cho chúng tôi xem hướng đền Zhaoying: “Nếu đã là một ngôi đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu bảo vệ trên biển thì ban đầu tọa Tây hướng Đông, hướng về phía biển, đúng không?” Nghe hỏi vậy, chúng tôi mới phát hiện rằng đền Zhaoying với kiểu kiến trúc “tam tiến” này thật ra là hướng về phía núi.
“Dưới triều Đạo Quang (nhà Thanh), đền Zhaoying cần phải trùng tu, thầy phong thủy xem xong liền nói, giữ thế tọa Tây hướng Đông thì sẽ có thể kiếm được nhiều tiền, còn nếu sửa thành tọa Đông hướng Tây nhìn về phía núi, thì sẽ con đàn cháu đống, có nhiều nhân tài”. Những lời nói này đã khiến cho đền Zhaoying được sửa sang lại thành đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu hướng về phía núi duy nhất ở Đài Loan vào năm 1834. “Thẩm mỹ kiến trúc dưới thời Đạo Quang thiên về hướng cổ điển”, ông Diệp Vĩnh Thiều đến bên cạnh cột trụ hình rồng, hướng dẫn chúng tôi cách thưởng ngoạn nét đẹp của đền miếu. “Có thể nhìn thấy rõ nét đẹp từ cột trụ hình rồng mang tính đại diện này. Trên cột trụ này chỉ có một con rồng vô cùng sinh động, không có bất kỳ một trang trí nào khác. Kiểu điêu khắc này trông đơn giản nhưng rất tỉ mỉ, tính thẩm mỹ tổng thể cũng rất cân đối, mượt mà, vừa phải”.
Trong hồ nước sinh thái với vẻ đẹp huyền ảo, có thể thấy rất nhiều loài thực vật thủy sinh khác nhau. Hoa súng Nuphar shimadae màu vàng quý giá của Đài Loan ở giữa hồ chính là một trong những cảnh sắc đẹp nhất.
Trong Vườn thực vật Fushan có rất nhiều loài động vật cộng sinh với rừng cây, mang theo kính viễn vọng, tịnh tâm và đi chậm, có thể nhìn thấy bóng dáng của chúng ở khắp nơi.
Trong Vườn thực vật Fushan có rất nhiều loài động vật cộng sinh với rừng cây, mang theo kính viễn vọng, tịnh tâm và đi chậm, có thể nhìn thấy bóng dáng của chúng ở khắp nơi.
Trong Vườn thực vật Fushan có rất nhiều loài động vật cộng sinh với rừng cây, mang theo kính viễn vọng, tịnh tâm và đi chậm, có thể nhìn thấy bóng dáng của chúng ở khắp nơi.
Vườn thực vật được bao quanh bởi rừng sương mù
Sau khi ra khỏi thành phố Nghi Lan là đến Tỉnh lộ số 7D, chúng tôi tiếp tục đến nơi cần phải đặt hẹn trước là Vườn thực vật Fushan. Nơi đây chỉ có một con đường để lên núi, đường hẹp mà dốc, rất hao tổn thể lực, sau khi vào đến khuôn viên vườn, chúng tôi đành đi bộ.
Fushan là một vườn thực vật kết hợp giữa bảo tồn, nghiên cứu và giáo dục, có môi trường sinh thái rừng cây phong phú, thu hút du khách gần xa. Băng ngang qua khối gỗ đã hoá thạch ở cổng vào khuôn viên, mang theo kính viễn vọng, đi dọc theo con đường bằng gỗ vào trong công viên.
Trước tiên sẽ nhìn thấy một hồ thực vật thuỷ sinh lớn, trong hồ tràn ngập các loài thực vật thuỷ sinh và cũng thu hút rất nhiều loài chim khác nhau. Được biết, nước hồ sẽ có sự thay đổi cảnh sắc tuỳ theo thời tiết, khi trời trong xanh, những chú chim lặn bé nhỏ sà xuống khuấy động nước hồ, cảnh sắc tươi sáng, còn khi trời mưa, sương mù mờ mịt, cảnh đẹp mê hồn. Trợ lý nghiên cứu viên Lâm Kiến Dung (Lin Chien-jung) đang quan sát thực vật ở ven hồ cho chúng tôi biết rằng: “Vào mùa đông còn có thể nhìn thấy chim uyên ương đi trú đông dừng chân tại đây”.
Do lượng mưa bình quân hằng năm tại đây đều đạt 4.000-5.000 mm, cộng thêm có độ cao tương đối thấp so với mực nước biển nên Vườn thực vật Fushan đã trở thành thiên đường của các loài thực vật biểu sinh. Ông Lâm Kiến Dung nói: “Những cây cao to bị các loài sinh vật biểu sinh bám vào thường được gọi là ‘Chung cư cây”, đây là một hiện tượng cộng sinh rất quan trọng trong hệ sinh thái rừng mưa”.
Ông Lâm Kiến Dung cho biết, đến đây thì phải đi thật chậm, bởi vì có khả năng sẽ gặp các loài động vật hoang dã trong rừng cây có độ cao thấp bất cứ lúc nào. Và chỉ vài mét trước mặt chúng tôi, đã có vài con mang (hoẵng) đang cúi đầu tìm thức ăn; trên bãi cỏ có một bầy khỉ đá Đài Loan đang phơi nắng sau giờ trưa; bên hồ nước, vài con cầy móc cua cũng nhanh nhẹn lướt qua trước mắt.
Trong hành trình khám phá bằng đôi chân và hai bánh xe đạp lần này, ngoài đường sá, cảnh sắc, lịch sử và kiến trúc, chúng tôi còn đi dọc theo bờ biển, men theo mạch núi, tiến vào rừng sâu, thưởng thức ẩm thực và mang về những hồi ức tươi đẹp khó quên.
Trong Vườn thực vật Fushan có rất nhiều loài động vật cộng sinh với rừng cây, mang theo kính viễn vọng, tịnh tâm và đi chậm, có thể nhìn thấy bóng dáng của chúng ở khắp nơi.
Trong Vườn thực vật Fushan có rất nhiều loài động vật cộng sinh với rừng cây, mang theo kính viễn vọng, tịnh tâm và đi chậm, có thể nhìn thấy bóng dáng của chúng ở khắp nơi.