Khẳng định vị thế thương hiệu truyện tranh Đài Loan
Đưa những câu chuyện Đài Loan đến với thế giới
Bài‧Su Lynn Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 6 2025
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Khi nói đến truyện tranh, cô Tô Hy Vy lại tràn trề nhiệt huyết. Cô chính là CEO của lễ hội truyện tranh Fancy Frontier, cũng từng là thành viên Ủy ban tư vấn trù bị của Bảo tàng truyện tranh.
Những năm gần đây, nhờ chính sách “Các điểm chính về khen thưởng sáng tác, xuất bản và tiếp thị truyện tranh” (gọi tắt là Quỹ hỗ trợ truyện tranh) của chính phủ, đến nay đã có hơn 700 tác phẩm truyện tranh Đài Loan được ra mắt trên thị trường. Trong giai đoạn tiếp theo, câu hỏi mà mọi người quan tâm nhất chính là: Truyện tranh Đài Loan sẽ có diện mạo như thế nào?
Trong thời đại ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, webtoon – loại hình truyện tranh kỹ thuật số cuộn dọc, cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, chủ đề đa dạng, lại thêm nhiều nền tảng đọc truyện mới lần lượt ra đời, thị trường đang có xu hướng phân khúc nhỏ và siêu nhỏ; ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình Đài Loan (gọi chung là truyện tranh Đài Loan) đã may mắn được sự hỗ trợ của nhà nước, chính phủ cũng không đặt ra quá nhiều hạn chế đối với ngành truyện tranh.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Tiếp nhận rộng rãi và tìm kiếm diện mạo riêng
Lấy ví dụ về các tác phẩm từng đoạt giải Grand Prize của giải thưởng Golden Comic Awards (GCA), “Các tác phẩm đoạt giải trong 5 năm gần đây thường là những tác phẩm mang đến bất ngờ ngoài dự kiến của mọi người”, bà Tô Vy Hy (Vicky Su) - Giám đốc Hiệp hội Quảng bá truyện tranh và hoạt hình Đài Loan nói, như năm 2019 là truyện “The Pink Ribbon” với chủ đề tình yêu đồng tính nữ (girls’ loves), năm 2020 là truyện “Time Swirl” với phong cách vẽ độc đáo, năm 2021 là truyện “The Lion in the Manga Library”, v.v... Những tác phẩm đoạt giải này đều khác với truyện tranh thương mại truyền thống.
Ngoài ra, tác phẩm đoạt giải Grand Prize GCA năm 2022 “The Witch and the Bull”, được đăng tải liên tục trên nền tảng Line Webtoon, phá vỡ sự thống trị của truyện tranh dạng lật trang. Cùng năm, tác phẩm “Fantastic Tales of Splendid Blossoms” về thể loại lịch sử, đồng tính nữ cũng đã đoạt giải “Truyện tranh của năm” của GCA. Năm 2023, tác phẩm “The Incense Burner of Lust” do họa sĩ truyện tranh Lau Kwong Shing (Liễu Quảng Thành) đến từ Hong Kong, xuất bản tại Đài Loan, đã trở thành họa sĩ nước ngoài đầu tiên được đề cử giải thưởng GCA. Bà Tô Vy Hy khẳng định “Giải thưởng này đón nhận một loạt tác phẩm ngày càng đa dạng và vượt quá ranh giới thường thấy, qua đó có thể thấy được thái độ cởi mở của chính phủ đối với ngành công nghiệp truyện tranh, cũng không tùy tiện đưa ra định nghĩa thế nào là một tác phẩm ‘truyện tranh hay’”.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Họa sĩ truyện tranh Jason Chien hợp tác với Cục Quản lý lưu trữ của Ủy ban Phát triển Quốc gia, ra mắt tác phẩm “Wind Chaser under the Blue Sky”. Tác phẩm này đã đoạt giải Vàng của giải thưởng International Manga Awards Nhật Bản năm 2023. (Ảnh: ©2023 /Jason Chien/ National Archives Administration/ Gaea Books)
Giá trị đích thực, vừa tạo danh tiếng vừa tăng doanh thu
Vậy, thế nào là tác phẩm “truyện tranh hay?”
Bà Tô Vy Hy cho rằng, “hãy để thị trường, giải thưởng quốc tế và bản quyền quốc tế quyết định”. Sau một thời gian nỗ lực, những năm gần đây, truyện tranh Đài Loan không những tạo được tiếng tăm ở trong nước, mà còn nhận được sự quan tâm từ nước ngoài. Tổng biên tập Nhà xuất bản Dala (Dala Publishing), ông Huỳnh Kiện Hòa (Aho Huang) cũng nêu ra một số ví dụ mang tính tiêu biểu:
Đầu tiên phải nói đến là thành quả trong Giải Manga Quốc tế (Japan International Manga Awards, IMA) dành cho họa sĩ truyện tranh nước ngoài của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Trước năm 2011, tuy cũng có họa sĩ truyện tranh Đài Loan tham gia với tư cách cá nhân nhưng tần suất đoạt giải vẫn khá hiếm hoi, cao nhất cũng chỉ đoạt giải khuyến khích mà thôi. Mãi đến năm 2011, tác phẩm “Make a Wish! Da Xi” của Cory (Kha Hựu Hy) đoạt giải Bạc tại IMA lần thứ 5, mở đầu thắng lợi cho các năm kế tiếp của họa sĩ Đài Loan tại giải thưởng này. Nhất là năm 2020, tác phẩm “Funeral Director” của Rimui, “The Illusionist on the Skywalk” của Nguyễn Quang Dân (Ruan Guang-min), “Blossom” của D.S., đã mang về cho Đài Loan giải Vàng, giải Bạc và giải khuyến khích của IMA năm đó.
Thứ hai, Đài Loan bắt đầu thường xuyên tham gia các hội chợ sách, triển lãm truyện tranh quốc tế với danh nghĩa “Đội Đài Loan”, một trong số đó là Hội chợ sách Quốc tế Angoulême tại Pháp.
Nhìn chung, truyện tranh Đài Loan dần khẳng định vị thế của mình thông qua các giải thưởng danh giá như GCA và IMA; sự có mặt thường xuyên trong các hội chợ sách quốc tế góp phần thu hút độc giả quốc tế. Thêm vào đó, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Đài Loan trong những năm gần đây đã tạo nên sự hiếu kỳ đối với truyện tranh Đài Loan, dưới sự ảnh hưởng của các yếu tố này, từng bước tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Ông Huỳnh Kiện Hòa ước tính trong 3 năm gần đây, đã có hơn 100 tác phẩm truyện tranh của Đài Loan bán bản quyền cho nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp - quốc gia có mức độ chấp nhận văn hóa khác biệt khá cao, đã mua bản quyền của hơn 60 tác phẩm, Ý cũng đã mua bản quyền của khoảng 30 tác phẩm truyện tranh Đài Loan.
Trong đó, tác phẩm “Day Off” là tác phẩm được thị trường quốc tế ưa chuộng nhất, đã bán bản quyền cho 9 nước, tiếp đó là tác phẩm “Funeral Director” và “Son of Formosa” đã bán bản quyền cho 7 nước, “Yan” đã bán bản quyền cho 6 nước.
Các bạn hãy tưởng tượng, những độc giả yêu thích thể loại truyện tranh tình yêu đồng tính ở Thái Lan, Việt Nam đã say sưa thế nào khi đọc tác phẩm BL “Day Off” với bối cảnh là nhân viên công sở ở chốn đô thị. Hoặc như tác phẩm “Son of Formosa” với chủ đề người thật việc thật về cuộc đời của nhà xuất bản nổi tiếng Thái Côn Lâm (Tsai Kun-lin), từ góc nhìn của một đứa trẻ, kết hợp với hình thức truyện tranh nhẹ nhàng, đã gây tiếng vang tại Mỹ bằng câu chuyện u ám về sự kiện “Khủng bố Trắng”, hay nhân vật siêu anh hùng “Yan” (Diêm Thiết Hoa) trong kinh kịch đã gây ấn tượng sâu sắc và chinh phục độc giả các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha như thế nào?

Tác phẩm “The Witch and the Bull” đã đoạt giải Grand Prize của Golden Comic Awards 2022, phá vỡ vị thế độc tôn về giải thưởng của truyện tranh lật trang. (Ảnh: LINE WEBTOON)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Khi ngành công nghiệp truyện tranh trong nước đủ lớn mạnh, tự nhiên sẽ tạo động lực để truyện tranh Đài Loan tiến ra thị trường quốc tế. Trong ảnh là hình ảnh các nhà xuất bản mang truyện tranh Đài Loan đến Angouléme Pháp để giao lưu với các nhà xuất bản, độc giả nước ngoài, bao gồm triển lãm bản thảo, tổ chức tọa đàm biên kịch và hoạt động ký tên của các họa sĩ. (Ảnh: TAICCA)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Các họa sĩ truyện tranh tham gia vẽ tiếp sức. (Ảnh: TAICCA)
Tin vui nối tiếp tin vui từ thị trường sách quốc tế
Cũng trong những năm gần đây, thỉnh thoảng lại nhận được những tin vui về truyện tranh Đài Loan trên thị trường quốc tế.
Ví dụ như tác phẩm “The Song about Green: Gather the Wind” của họa sĩ trẻ Cao Nghiên (Gao Yan), ban đầu tác phẩm này do cô tự bỏ tiền để xuất bản, chỉ vỏn vẹn có 32 trang. Nào ngờ do cốt truyện và phong cách vẽ đều rất tinh tế, tác phẩm này bất ngờ được nghệ sĩ Hosono Haruomi biết đến và mời cô góp mặt trong bộ phim tài liệu của ông. Sau đó, nhà văn Haruki Murakami cũng đánh giá cao tác phẩm nên đã mời cô vẽ trang bìa cho sách mới “Abandoning a Cat: Memories of My Father” của mình. Liên tục nhận được sự đánh giá tích cực, họa sĩ Cao Nghiên đã phát triển tác phẩm ngắn của mình thành tác phẩm truyện dài hai tập, đồng thời xuất bản tại Đài Loan và Nhật Bản. Sau khi phát hành, tác phẩm được độc giả Nhật Bản xếp thứ 9 trong hạng mục truyện tranh dành cho nam giới của bảng xếp hạng “Kono Manga ga Sugoi! (Cuốn truyện này thật tuyệt!)”.
Lý do tại sao truyện tranh Đài Loan có thể tạo ra làn sóng trên thị trường quốc tế có thể được phản ánh qua phân tích thị trường truyện tranh. Đó là do thị trường truyện tranh quốc tế hiện nay chủ yếu gồm các trường phái lớn như truyện tranh Nhật Bản (Manga), truyện tranh Mỹ (Comic), truyện tranh châu Âu (bande dessinée, thường được gọi là BD). Ngoài ra còn có những thể loại truyện tranh mới nổi sau này, chủ yếu đọc trực tuyến như truyện tranh Hàn Quốc/ Webtoon và tiểu thuyết đồ họa (graphic novel), nhấn mạnh chiều sâu và chiều rộng của đề tài, có tính nghệ thuật cao, phù hợp với độc giả là những người đã trưởng thành…
Trong số đó, Manga Nhật Bản không chỉ ở Đài Loan mà có thể nói là chiếm vị trí “độc tôn” trên thế giới. Tuy nhiên, nước Pháp, nơi coi truyện tranh là môn “nghệ thuật thứ 9”, do nhu cầu thị trường lớn, nhiều nhà xuất bản mới nổi cũng bắt đầu chú ý các thị trường truyện tranh châu Á khác ngoài Nhật Bản. Trong đó, truyện tranh Đài Loan có chất lượng chỉ đứng sau Manga Nhật Bản cũng đã tận dụng được cơ hội này, thẳng tiến ra thị trường quốc tế.
Trước đây, truyện tranh Đài Loan có nhiều nét giống Manga Nhật Bản, nhiều học giả nghiên cứu đều cho rằng, từ thời kỳ hoàng kim đầu tiên, truyện tranh Đài Loan đã mang dấu ấn và chịu nhiều ảnh hưởng bởi Manga Nhật Bản.
Với nhiều năm nghiên cứu về truyện tranh Đài Loan, Phó Giáo sư Lưu Định Cương (Liu Ting-gang) khoa Ngữ văn Đài Loan của Đại học Sư phạm Đài Loan chỉ ra rằng, truyện tranh Đài Loan chịu ảnh hưởng của Manga Nhật Bản về cách kể chuyện, “nhấn mạnh về kết cấu cốt truyện, phần mở đầu, diễn biến, cao trào và kết thúc, có các tình tiết bất ngờ và cũng sẽ xây dựng các tình tiết theo logic nhân quả”.
Không những như vậy, ông Lưu Định Cương cũng nhấn mạnh rằng, truyện tranh Đài Loan còn chịu ảnh hưởng của truyện tranh châu Âu, các họa sĩ Đài Loan cũng bỏ không ít công sức để tạo dựng không khí và tạo hình ảnh nghệ thuật cho trang vẽ.
Việc hình thành các đặc điểm như vậy có lẽ là do cơ chế thị trường truyện tranh Đài Loan chưa hoàn toàn phát triển nên phong cách biểu đạt vẫn chưa có sẵn mô-típ khuôn mẫu chính thống cần phải tuân theo. Ngoài ra, bà Tô Vy Hy cũng quan sát thấy, sau năm 2000, các trường đại học tại Đài Loan cũng mở rộng thành lập chuyên ngành thiết kế hình ảnh và hoạt hình, đào tạo thêm nhiều nhân tài cho lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Thêm vào đó, sự hỗ trợ của Quỹ trợ cấp truyện tranh cũng thu hút không ít sinh viên ngành mỹ thuật chọn con đường trở thành họa sĩ truyện tranh, như họa sĩ Trần Bội Túc (Chen Pei-hsiu) và bạn học M2, 3 người bạn học cùng khóa là Tả Huyên (Zuo Hsuan), 61Chi và Tăng Diệu Khánh (Tseng Yao-ching), ngoài ra còn có Ngô Thức Hồng (Wu Shih-hung) - người đã giành giải thưởng Raymond Leblanc Prize tại Bỉ năm 2021, họ đều là sinh viên khoa Mỹ thuật của Đại học Sư phạm Đài Loan. Điều này khiến người ta liên tưởng đến các họa sĩ trong giai đoạn hoàng kim trước đó cũng có khá nhiều người tốt nghiệp khoa Mỹ thuật của trường Trung cấp nghề Fuxing.
Tóm lại, đặc điểm quan trọng thường thấy trong truyện tranh Đài Loan là khả năng kể chuyện tốt và khả năng diễn đạt nghệ thuật mạnh mẽ. Bà Tô Vy Hy hy vọng, các họa sĩ Đài Loan lựa chọn tác phẩm dựa trên nội dung cốt truyện và sở thích cá nhân, không những giúp họ có thể cân bằng giữa thị trường thương mại và theo đuổi nghệ thuật, mà còn thể hiện được bản sắc văn hóa đặc trưng của Đài Loan, mở ra con đường mới đưa truyện tranh Đài Loan tiến vào thị trường quốc tế.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
“The Song about Green” - Bộ truyện nổi tiếng từ Nhật Bản trước, rồi mới hot trở lại Đài Loan.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Tác phẩm “Lost Gods” của Evergreen Yeh kết hợp phong cách truyện tranh liên hoàn Thượng Hải và phong cách hội họa Nhật Bản, tạo được tiếng vang lớn tại Pháp.
Tầm nhìn của truyện tranh Đài Loan
Các họa sĩ thế hệ mới của Đài Loan sở hữu nền tảng nhân văn đặc sắc, khác biệt hoàn toàn với tác phẩm của lớp họa sĩ thế hệ trước.
Ông Lưu Định Cương cho rằng “hình ảnh thương hiệu của truyện tranh Đài Loan đã phát triển chín muồi”, truyện tranh Đài Loan trên thị trường hiện nay có thể được chia thành nhiều thể loại, tiêu biểu nhất là truyện tranh về lịch sử văn hóa phát triển từ “Tuyển tập tác phẩm CCC” như tác phẩm truyện tranh “The Summer Temple Fair” đã được chuyển thể thành phim truyền hình của Tả Huyên, “1661 Koxinga Z” của họa sĩ Lý Long Kiệt (Li Lung-chieh) lấy góc nhìn của người Hà Lan, mô tả ông Trịnh Thành Công thành vai phản diện, tác phẩm “The Free China Junk” do họa sĩ July hợp tác cùng Cục Quản lý lưu trữ của Ủy ban Phát triển Quốc gia (National Archives Administration of the National Development Council)…, đều là những tác phẩm xuất sắc trong những năm gần đây.
Ngoài ra, Đài Loan vốn được xem là hình mẫu về bình đẳng giới tại châu Á, đặc điểm này cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực truyện tranh. Ví dụ như tác phẩm “Tender is the Night” do nhà biên kịch nổi tiếng Giản Lợi Dĩnh (Chien Li-ying) hợp tác với họa sĩ Huihui, hay như tác phẩm “Miss T’s sexcapades in Japan” của họa sĩ RiceDumpling về chủ đề giải phóng cơ thể của phụ nữ, hoặc tác phẩm “Guardienne” của họa sĩ Nownow, mượn đề tài lịch sử kết hợp với truyền thuyết dân gian về ma nữ đời nhà Thanh để nói về ý thức tự chủ của nữ giới. Đó là còn chưa kể đến tác phẩm “Day Off”, kể câu chuyện BL của nhân viên văn phòng, là tác phẩm được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng nhất.
Ông Lưu Định Cương nhận thấy rằng, tuy truyện tranh Đài Loan chưa hẳn thể hiện xuất sắc trong dòng truyện thương mại thường thấy, nhưng lại gây ấn tượng với các chủ đề ít phổ biến như về văn hóa lịch sử, LGBTQ… Trong thời đại phân khúc độc giả hiện nay, những đề tài đặc thù này đôi khi lại có thể thu hút sự chú ý của nhóm độc giả phân khúc nhỏ.
Nhìn lại, truyện tranh Đài Loan có nội dung vô cùng đa dạng, phong cách linh hoạt, mang tính xã hội mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với thế giới xung quanh. Có thể nói, truyện tranh Đài Loan mới cũng đã phản ảnh một cách rõ nét về xã hội Đài Loan hiện nay.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Họa sĩ Chen Pei-hsiu từng đến làng Blois (Pháp) sinh sống `một thời gian, cô đã đưa kinh nghiệm sinh sống tại nước ngoài của mình vào sáng tác, tác phẩm của cô tràn đầy sắc màu nghệ thuật. (Ảnh: Chen Pei-hsiu cung cấp)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
Ông Lưu Định Cương khẳng định, từ khi truyện tranh Đài Loan bước vào giai đoạn phát triển hoàng kim thứ ba đến nay, phong cách và thể loại sáng tác của các tác phẩm cũng ngày một được định hình rõ ràng.
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)