Nhà tre, quê trúc
Tre trong kiến trúc của người dân tộc nguyên trú Đài Loan
Bài‧Cindy Li Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 12 2024
Khi nhắc đến “tre”, có thể nói đó là loại nguyên liệu có mối quan hệ vô cùng mật thiết, không thể tách rời trong mọi phương diện đời sống như ăn, mặc, ở và đi lại của người dân tộc nguyên trú Đài Loan. Đặc biệt trong kiến trúc, không chỉ là trí tuệ cuộc sống được tích lũy hàng trăm năm, mà còn chứa đựng cả tinh thần và văn hóa của người dân tộc nguyên trú.
Nhà sinh hoạt thiếu niên TTAKUBAN nằm trên bãi cỏ của Công viên di chỉ Ti Nam (Beinan), nhìn ra cánh đồng, nơi trước kia người dân bộ tộc Puyuma đã vất vả trồng trọt chăm nom, giống như một vị trưởng lão cất giọng trang nghiêm, long trọng kể lại cho mọi người nghe câu chuyện về những năm tháng huy hoàng của bộ tộc Puyuma vùng Hoa Đông.
“Nhà sinh hoạt là tòa nhà chung của bản làng và cũng là trường học dành cho nam sinh. Trong quá trình trưởng thành, chúng tôi nhất định sẽ vào nhà sinh hoạt để học tập”. Đứng trước gian nhà sàn, Trưởng lão bộ lạc Puyuma - ông Ahung Masikadd giới thiệu với chúng tôi về kiến trúc “thuần tre” mà vài năm trước thanh niên bản làng đã cùng chung tay xây dựng nên.
Dân tộc Puyuma-nền tảng sức mạnh quốc gia
Dân tộc Puyuma vốn là một dân tộc hùng mạnh từ thời xa xưa. Thời kỳ Vua Pinadray, sức ảnh hưởng của bộ tộc Puyuma đã lan rộng, phía bắc đến Ngọc Lý, Hoa Liên (Yuli, Hualian), phía nam đến Bình Đông, Hằng Xuân (Pingtung, Hengchun). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mối quan hệ giai cấp chặt chẽ của dân tộc Puyuma là chìa khóa cho sự thịnh vượng của họ và đạo lý tôn ti trật tự này được xây dựng thông qua hệ thống giáo dục của Nhà sinh hoạt thiếu niên.
Trưởng lão Ahung Masikadd chia sẻ, khi các cậu bé 12-13 tuổi, dưới sự hướng dẫn của các trưởng lão, các em đã biết xây dựng Nhà sinh hoạt thiếu niên bằng cách sử dụng trúc Makino và tre gai, đồng thời trong 4 đến 5 năm sinh hoạt tại đây, các em sẽ theo những anh lớn trong Nhà sinh hoạt thiếu niên để học từ cách đối nhân xử thế, phép tắc, tôn ti trật tự, phân cấp xã hội, cho đến các kỹ năng chiến đấu.
“Người ngoài nhìn vào nội dung học tập của chúng tôi sẽ cảm thấy rất lạ, thậm chí còn thấy có chút không hợp lý”. Nhưng ông Ahung Masikadd cho rằng, việc “rèn luyện” này chính là hành trình quan trọng để các cậu bé trong bộ tộc Puyuma trở thành người lớn.
Trước khi rời khỏi nhà sinh hoạt thiếu niên, thời khắc quan trọng của các cậu bé là nghi lễ “Cúng trưởng thành” (mangamangayau, nghi lễ đánh dấu sự chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành), tiếng dân tộc Puyuma nghĩa là “luyện tập, luyện tập”, thường được tổ chức vào cuối tháng 12.
Một đêm trước ngày diễn ra nghi lễ, các cậu thiếu niên tay cầm lá chuối, đến trước cửa từng nhà trong bản làng rồi hô to câu thần chú đuổi tà “abakayta, abakayta!” (nghĩa là: đong đầy chiếc túi của tôi). Hôm sau, các cậu bé dùng những ngọn giáo dài có khắc hình vật tổ của bộ tộc để đâm những chú khỉ được coi là bạn (ali) đã ở bên cạnh họ hơn nửa năm qua, với mong muốn họ cũng sẽ mang theo quyết tâm như thế để bảo vệ quê hương trên chiến trường.
Ông Ahung Masikadd nhấn mạnh: “Nếu không bắt đầu lễ cúng trưởng thành thì các nghi lễ tiếp theo sẽ không thể được thực hiện”. Ví dụ, tất cả đàn ông trong bộ tộc tập hợp thành đội tuần tra lãnh địa, nghi lễ săn bắn và săn đầu người. Lễ hội săn bắn (manngayaw) kéo dài khoảng ba đến năm ngày, sau khi trở về, các thiếu niên cũng sẽ thực hiện nghi thức “mở cửa” cho gia đình có tang vào năm đó, v.v...
Chẳng trách giọng nói của ông Ahung Masikadd có phần nghiêm nghị: “Nhà sinh hoạt thiếu niên là nền tảng nuôi quân, là trụ cột của đất nước và cũng là nơi cư ngụ của tâm hồn người Puyuma”.
Ông Ahung Masikadd và con trai Benglay Masikadd đang xây dựng công trình bằng tre tại Trường Tiểu học Thực nghiệm Huahuan của bộ lạc Sakuba Puyuma, huyện Đài Đông.
Mẹo làm cong nguyên liệu tre
Người thực hiện: Ahung Masikadd
Là kết cấu tre, là kiến trúc và cũng là văn hóa
Xét về góc độ kết cấu kiến trúc, so với các các kiến trúc kết cấu tre khác ở Đài Loan, kiến trúc sư Lâm Nhã Nhân (Lin Ya yin) tin rằng “khung móng” (libattubattu) của trung tâm tòa nhà sinh hoạt thiếu niên và tám hướng của tòa nhà được cố định bằng “trụ đỡ chéo” (panubayun) chống từ mặt đất đến mái nhà là nét độc đáo của nhà sinh hoạt thiếu niên Puyuma.
Cô chỉ ra rằng, kiến trúc phản ánh triết lý tinh thần của một dân tộc. Hình thức các cột giằng chéo từ mọi phía hội tụ về một điểm mang lại sự ổn định về cấu trúc, đồng thời cũng thể hiện ý nghĩa “đoàn kết” trong từ Panubayun của bộ tộc.
Ngoài ra, cô Lâm Nhã Nhân bổ sung thêm: “Nhà sinh hoạt thiếu niên có cấu tạo nhẹ, có khả năng chống động đất nhưng không chịu được gió”. Nhưng nhờ có “khung móng” hình phễu chứa đầy đá nằm ở trung tâm tầng trệt, giúp tạo sức nặng cho tòa nhà, cùng lúc có thể hạ thấp trọng tâm tổng thể làm cho tòa kiến trúc vững chắc hơn. Các học giả trong nước từng chỉ ra rằng, cấu trúc của “khung móng thuần tre” giống với quả cầu thép là bộ giảm chấn của tòa nhà Taipei 101 tầng, khiến họ phải thốt lên khen ngợi: “Người dân tộc nguyên trú Đài Loan là những nhà khoa học bẩm sinh!”
Với kết cấu đó, nhìn qua có vẻ là kiến trúc mỏng manh bằng tre đơn giản, nhưng thật đáng kinh ngạc khi đối diện với sức gió giật mạnh cấp 17 của cơn bão Nepartak năm 2016, tòa kiến trúc vẫn có thể đứng vững như núi Thái Sơn. Kiến trúc sư Lâm Nhã Nhân cười nói: “Đó là bởi vì tổ tiên của chúng ta hiểu biết về các loại vật liệu thiên nhiên hơn chúng ta nhiều”.
Cô nói trong sự tiếc nuối, khi bê tông cốt thép trở thành xu hướng xây dựng thịnh hành, mọi người dần bỏ quên kiến thức về vật liệu xây dựng thiên nhiên. Điều này cũng dẫn đến lỗ hổng gián đoạn nghiêm trọng trong hành trình kế thừa kiến trúc truyền thống của Đài Loan, “vì chúng ta là người Đài Loan nên điều chúng ta cần học là kiến thức trí tuệ, văn hóa và kỹ nghệ tiềm ẩn trong kiến trúc truyền thống của Đài Loan”.
Tuy nhiên, các phương pháp xây dựng truyền thống hầu hết được kế thừa qua hình thức thầy truyền cho trò và rất ít tài liệu ghi chép, cho dù là thiết kế kiến trúc hay là phương pháp xây dựng, chúng thường sẽ khác nhau tùy theo sự hiểu biết và quan điểm của người thợ về kiến trúc. “Trong hơn 20 năm qua, tôi đã theo học với một số thợ xây dựng lành nghề, trong khoảng thời gian đó từng người trong số họ đã lần lượt ra đi, khi ra đi đồng nghĩa với việc họ cũng mang theo tất cả những gì tích lũy qua nhiều thế hệ”.
Vì vậy, cô Lâm Nhã Nhân và trưởng lão Ahung Masikadd đã hợp tác mở lớp đào tạo trong Học viện Kết cấu Tre thuộc Quỹ giáo dục Lizen (Lizen Education Foundation), với hy vọng dựa trên phương pháp hệ thống hóa để truyền đạt kiến thức xây dựng nhà sinh hoạt thiếu niên cho học viên thuộc mọi ngành nghề, đồng thời bắt đầu ghi chép lại bằng văn bản.
Cuốn sách chưa xuất bản “Nhà sinh hoạt thiếu niên Puyuma - Cấu trúc tre truyền thống của bộ tộc Puyuma Đài Loan” dựa trên lời kể truyền miệng của trưởng lão Ahung Masikadd, nội dung bao gồm mạch nguồn lịch sử và ý nghĩa văn hóa của nhà sinh hoạt thiếu niên, cho đến đặc điểm kiến trúc, phương pháp xây dựng, quy trình chi tiết và các yếu tố cần thiết trong thi công, đều được giải thích chi tiết bằng hình ảnh và chữ viết.
Cô Lâm Nhã Nhân nói: “Nếu tôi không ghi chép lại thành văn bản, khi thế hệ này ra đi thì những kiến thức đó cũng sẽ biến mất”.
Nhà sinh hoạt thiếu niên ở một góc trong khuôn viên trường, họa tiết hoa văn đen trắng xen kẽ của bộ tộc trên mái trường là thành quả nỗ lực của ông Ahung Masikadd trong việc khôi phục văn hóa bộ tộc Puyuma sau khi trở về quê hương.
Khi học kết cấu xây dựng Nhà sinh hoạt thiếu niên, cô Lâm Nhã Nhân đặc biệt yêu cầu tất cả học sinh gọi nhau bằng tên trong tiếng dân tộc. (Ảnh: Yang Xiao hong, Cai Zhuo lin, do Quỹ giáo dục Lizen cung cấp)
Chưa bao giờ học vẽ kiến trúc nhưng ông Ahung Masikadd đã thử dùng những hình ảnh đơn giản để dạy kỹ thuật xây dựng bằng tre.
Cô Lâm Nhã Nhân và ông Ahung Masikadd đã tổ chức Khóa học về cấu trúc Tre dân tộc Puyuma tại Quỹ giáo dục Liren, thu hút nhiều sinh viên tham gia. (Ảnh: Wu Jia you, do Quỹ giáo dục Lizen cung cấp)
Khi bản làng và tre trúc ngày càng xa nhau
“Đối với cuộc sống sinh hoạt của người Atayal, tre là vật liệu được sử dụng để xây dựng nhà cửa”. Trợ lý giáo sư Đơn Thế Tuyên (Shan Shih-hsuan) của khoa Kiến trúc, Đại học Minh Truyền chia sẻ về một nền văn hóa có liên quan mật thiết đến tre là văn hóa bộ tộc Atayal.
Môi trường địa lý và khí hậu độc đáo của Đài Loan khiến các loài tre có mặt ở khắp nơi, từ đồng bằng lên đến núi cao, tre trở thành vật liệu dễ dàng có được đối với người dân Đài Loan. Từ góc độ văn hóa Atayal, ngôn ngữ dân tộc “ruma” có nghĩa là trúc Makino, đan bện mây tre cũng được coi là một kỹ năng cần thiết đối với đàn ông bộ tộc Atayal truyền thống, phụ nữ không được phép học kỹ năng này. Ngày nay, những sản phẩm nội địa như dụng cụ trên bàn ăn, giá đỡ dùng trong nông nghiệp, bè tre nuôi hàu, cho đến sản phẩm kiếm tre được xuất khẩu sang Nhật Bản, đều có mối quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp trúc Makino mà bộ tộc Atayal thúc đẩy phát triển.
Nhưng cùng với thời gian, mối liên kết văn hóa giữa tre trúc và người dân tộc dần trở nên mờ nhạt, người Atayal cũng không ngoại lệ. “Ngày nay, bất kể nhà của bộ tộc nào đều trông giống hệt như những ngôi nhà dưới đồng bằng”. Ông nói trong niềm tiếc nuối, do khoảng cách phát triển giữa thành phố và khu vực nông thôn được rút ngắn khiến cho kiến trúc bê tông cốt thép trở thành cảnh quan của Đài Loan, các bộ tộc cũng dần mất đi DNA văn hóa của họ. Tình trạng này cũng tương tự như tình trạng ngành công nghiệp tre suy thoái trong những năm gần đây.
Đi theo hành trình khám phá lịch sử bộ tộc Atayal của cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Taishin Financial Holdings-ông Lâm Khắc Hiếu (Lin Keh-hsiao), trợ lý giáo sư Đơn Thế Tuyên đã tổ chức “Khóa học kiến trúc vùng núi” tại Đại học Minh Truyền, đưa sinh viên đến với các bộ lạc Atayal ở miền Bắc Đài Loan, với hy vọng giúp họ tìm lại nền văn hóa đã mai một.
Từ ký hiệu con đường mòn săn bắn của bộ tộc Atayal ở Nanao, Nghi Lan vào năm 2011, Trung tâm Triển lãm Bảo tồn Gà lôi lam lưng trắng và Phòng khách của bộ lạc Piyaway tại khu Fuxing, Đào Viên năm 2013 và Phòng Kế hoạch cải tạo Nhà tre Yetong bộ lạc Xiangbi trên sông Daan, huyện Miêu Lật năm 2017, cho đến Góc đọc sách trong khuôn viên trường tiểu học Khuê Huy (Kuihui), Đào Viên vào năm 2019, rồi sau đó là Dự án sáng tạo cấu trúc tre của bộ lạc Kapu, Đào Viên năm 2020, v.v..., đều sử dụng trúc Makino, loại vật liệu quen thuộc của người Atayal làm vật liệu xây dựng hàng loạt công trình kiến trúc bằng tre cho bản làng của bộ tộc.
Bắt đầu từ tòa kiến trúc tượng trưng cho “nhà”, ông Ahung Masikadd từng bước mang văn hóa bộ tộc Puyuma về lại với quê hương.
Những cây tre ở dưới cùng chống đỡ tòa nhà sinh hoạt thiếu niên, không chỉ tạo ra điểm tựa vững chắc mà còn được sử dụng cho mục đích phòng thủ. (Ảnh: Yang Xiao hong, Cai Zhuo lin, do Quỹ giáo dục Lizen cung cấp)
Trả lại quê hương cho họ
“Quan điểm của chúng tôi là hy vọng thông qua thiết kế kiến trúc hoặc xây dựng cộng đồng để hợp tác với các bộ lạc, giúp cho tính chất địa phương và tính tự hành cùng tồn tại”. Ông Đơn Thế Tuyên nhấn mạnh, dù đó chỉ là một quảng trường nhỏ, một con phố, hay là một ký hiệu lối vào, hy vọng thông qua kiến trúc sẽ mang đến cho bộ lạc khả năng tìm lại văn hóa dân tộc.
Đối với các bạn sinh viên, hành trình khám phá bộ lạc còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ông Đơn Thế Tuyên chia sẻ, trong bộ lạc, sinh viên sẽ được cùng các trưởng lão tìm hiểu văn hóa và những câu chuyện của bộ tộc, đồng thời còn có cơ hội đích thân trải nghiệm vào rừng đốn tre, tìm hiểu thời điểm thích hợp nhất để đốn tre. Ông nói: “Dù là thể chất hay tinh thần, các bạn sinh viên đều được truyền cảm hứng từ môi trường này”, khiến thế hệ sinh viên thời nay vốn luôn mang theo điện thoại di động bên mình, nay bắt đầu thực sự trò chuyện với mọi người trong bộ lạc.
“Không gian” sau khi được hun đúc bởi văn hóa cuộc sống, văn hóa tế lễ và tín ngưỡng của cư dân thì mới có ý nghĩa là “Nhà”. Ông Đơn Thế Tuyên chia sẻ: “Những gì chúng tôi đang làm là trả lại không gian cho người dân tộc nguyên trú để khi trở về bộ lạc, họ sẽ cảm nhận được sự an yên trong tâm thức và sợi dây kết nối văn hóa với nơi này”. Ngày nay, kết cấu tre trúc không chỉ dừng lại ở kiến trúc, mà còn là quê hương của họ và là cốt lõi của nền văn hóa dân tộc nguyên trú hàng trăm năm qua.